Trong thời gian gần đây, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) - chủ đầu tư cầu Phú Mỹ - đã liên tục “kêu cứu” về những khó khăn phát sinh sau một thời gian đưa vào sử dụng cây cầu này, trong đó nổi bật nhất là việc không đủ tiền để trả nợ vay ngân hàng.
Trạm thu phí qua cầu Phú Mỹ. Ảnh: HỒNG THÚY
Chủ nợ thành con nợ
Ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc PMC, cho biết việc thu phí giao thông trên cầu Phú Mỹ hiện nay không đủ để trả nợ gốc và lãi vay cho các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Societé Genérale (Pháp).
Để tránh ảnh hưởng đến uy tín của PMC lẫn UBND TP, PMC đã xin TP tạm ứng 348 tỉ đồng để trả nợ trong năm nay. Khoản tiền trên sẽ được PMC hoàn trả cho TP từ nguồn thu phí giao thông của các năm sau.
Theo PMC, đáng lẽ TP phải trả số tiền trên cho PMC vì đã vi phạm khoản 7.4.4, điều 7 của hợp đồng BOT cầu Phú Mỹ, hợp đồng nêu rõ: “Nếu dự án đường vành đai phía Đông TP hoàn thành chậm hơn cầu Phú Mỹ dưới 3 năm thì khoản thu phí giao thông sẽ thu của dự án BOT cầu Phú Mỹ tương ứng với thời gian chậm trễ sẽ được bên A bù đắp cho bên B từ nguồn vốn ngân sách TP”.
Với viện dẫn này, PMC ngụ ý rằng đáng lẽ TP phải “đền bù” cho PMC toàn bộ số tiền 348 tỉ đồng, nhưng với “thiện chí” của mình, PMC chỉ xin tạm ứng số tiền trên để trả nợ!
Tuy nhiên, đề xuất này của PMC đã bị các bên liên quan cho là không có cơ sở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, PMC chỉ viện dẫn một phần của khoản 7.4.4, điều 7 hợp đồng BOT cầu Phú Mỹ để “phạt” UBND TP mà “bỏ quên” đoạn sau.
Đoạn này nói rõ: UBND TP chỉ bù đắp khoản tiền thu phí thiếu hụt cho PMC khi doanh thu thực tế thấp hơn hẳn doanh thu dự kiến trong hợp đồng BOT.
Theo đánh giá của Sở Tài chính, doanh thu thực tế hiện nay của PMC đã gần tương đương với mức doanh thu dự kiến trong phương án tài chính của hợp đồng BOT (4.425.700.000 đồng/tháng và 4.491.000.000 đồng/tháng).
Phương án tài chính đã cho thấy doanh thu của những năm đầu tiên không đủ hoàn trả vốn gốc lẫn lãi. Rõ ràng, việc này đã được PMC tính toán và dự trù trước.
Cũng vì những năm đầu PMC bị lỗ nên thời gian thu phí giao thông mới kéo dài đến 26 năm – khoảng thời gian đủ để PMC hoàn vốn và có lời. Vả lại trong hợp đồng BOT không quy định việc tạm ứng ngân sách để PMC trả nợ.
Việc này cũng đã được UBND TP nhấn mạnh trong văn bản ký ngày 1-9-2006: PMC phải tính lại giải pháp tài chính để có phương án huy động vốn phù hợp với quy định hiện hành hoặc tìm nguồn vốn khác để trả nợ vay cho Ngân hàng Societé Genérale theo đúng như cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Ngoài ra, theo hợp đồng BOT, PMC sẽ phải hoàn trả ngân sách TP 100 tỉ đồng tiền tạm ứng cho giải phóng mặt bằng vào thời điểm bắt đầu thu phí giao thông trên cầu Phú Mỹ.
Thế nhưng đến nay PMC vẫn chưa trả đồng nào cho ngân sách TP. Có thể nói, UBND TP vốn là chủ nợ, nay lại bị PMC biến thành con nợ!
“Đòi” dẹp trạm thu phí Nguyễn Văn Linh
Không những “đòi nợ” TP, PMC còn kiến nghị TP dẹp luôn trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh. Lý do mà PMC đưa ra là nếu bỏ trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh sẽ thu hút được các phương tiện giao thông qua cầu Phú Mỹ, thông qua đó tăng hiệu quả thu phí cho cây cầu này.
Thế nhưng ông Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, khẳng định: “Việc thu phí giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh không ảnh hưởng gì đến việc thu phí của cầu Phú Mỹ. Bằng chứng là xe vào đường Nguyễn Văn Linh để rẽ vào các đường ngang đi về quận 5, quận 6 chứ không qua quận 2. Do đó nếu dẹp trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh thì xe qua cầu Phú Mỹ cũng không nhiều hơn. Tận thu là giải pháp không ổn”.
Được biết, doanh thu thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh được dành để duy tu, bảo dưỡng tuyến đường này, trong trường hợp số tiền thu phí còn dư thì Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng phải chia cho TP 70% và giữ lại 30%.
Vì thế, theo Sở GTVT, nếu bãi bỏ trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh thì TP lại phải tốn một khoản tiền ngân sách để duy tu bảo dưỡng tuyến đường này thay cho Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng.
Điều đáng nói là trong hợp đồng BOT cầu Phú Mỹ, không có điều khoản nào quy định các vấn đề liên quan đến việc bãi bỏ thu phí giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh để tăng lượng xe qua cầu Phú Mỹ. Vì vậy, kiến nghị theo kiểu “vì người này” mà ép “người kia” của PMC cũng không ổn.
Phải dồn xe cho cầu Phú Mỹ!
Rất nhiều lần, PMC còn kiến nghị TP cho phân luồng giao thông theo cam kết trong hợp đồng BOT. Theo đó, xe tải nặng từ các cụm cảng, KCX-KCN chủ yếu đi trực tiếp ra đường vành đai phía Đông, hạn chế tối đa việc đi xuyên tâm TP; đồng thời hạn chế xe tải nặng lưu thông qua cầu Khánh Hội, Kênh Tẽ, kể cả đường hầm Thủ Thiêm.
Như vậy, cầu Phú Mỹ sẽ hứng trọn luồng xe tải nặng, việc thu phí các loại xe này qua cầu Phú Mỹ được xem là nguồn thu chính, mang tính chất sống còn của PMC.
Ông Thái cho rằng hiện nay TP chưa thực hiện đúng cam kết này khiến lượng xe qua cầu Phú Mỹ sụt giảm.
Tuy nhiên, ông Đậu An Phúc, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT, cho biết đã tiến hành phân luồng xe theo như cam kết trên từ trước và khẳng định chỉ hỗ trợ tối đa chứ không dồn toàn bộ xe tải nặng qua cầu Phú Mỹ trong thời điểm hiện nay.
Ông Phúc cho biết nếu dồn toàn bộ lượng xe qua cầu Phú Mỹ, có khả năng gây kẹt xe nghiêm trọng tại giao lộ Vành đai Đông – Liên Tỉnh lộ 25B. Khi đó đường ra vào cảng Cát Lái sẽ nghẽn cứng và TP sẽ phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế rất to lớn.
Hiện nay tổng vốn đầu tư cầu Phú Mỹ đã “đội” lên thành 3.000 tỉ đồng (hợp đồng BOT chỉ có 1.806 tỉ đồng, được TP đồng ý cho tăng lên thành 2.077 tỉ đồng).
Mức giá này đang được Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm định. Nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng nhận định mức giá này là quá cao, thế nhưng ông Thái khẳng định: “Hiện nay với mức giá 3.000 tỉ đồng thì không thể xây dựng được một cây cầu như cầu Phú Mỹ”.
Với mức giá mới này, chắc chắn UBND TP và PMC sẽ phải ký kết phụ lục hợp đồng bổ sung, liên quan trực tiếp đến thời gian thu phí và giá vé.
Tuy nhiên, nếu kéo dài thời gian thu phí quá 26 năm thì không bảo đảm tính khả thi trong phương án tài chính cho PMC, chỉ còn cách tăng giá vé lên gấp hai lần. Vậy ai sẽ là người chịu thiệt trong chuyện này?
Xin trong phạm vi hợp đồng?
Theo ông Nguyễn Thành Thái, PMC chỉ kiến nghị những gì có trong phạm vi hợp đồng BOT chứ không xin gì ngoài hợp đồng này cả. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc PMC xin khai thác không gian cầu, gầm cầu và tuyến đường gom của cầu Phú Mỹ để tăng thêm doanh thu không có trong hợp đồng BOT. Cả việc PMC kiến nghị được đầu tư 3 khu đất, chỉ có 1 khu đất là đúng mục đích và yêu cầu đầu tư, 1 khu đất nằm ngoài hợp đồng BOT, khu đất còn lại rộng 6 ha ở quận 2 đã được quy hoạch làm công viên cây xanh. |
Bình luận (0)