Phát biểu tại chương trình, ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM (UEF), cho rằng trước khi đặt nguyện vọng, thí sinh cần xác định mục tiêu nghề nghiệp của mình trong tương lai.
Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ có thể gắn bó với 1 nguyện vọng. Từ ngày 18 đến 30-7, thí sinh có quãng thời gian để tìm hiểu kỹ những ngành nghề và chương trình đào tạo tại các trường ĐH.
"Phụ huynh không nên định hướng con học theo những ngành xu hướng mà nên lắng nghe sở thích của trẻ. Khi con đam mê với nghề thì việc học tập mới được tiếp thu hiệu quả và duy trì lâu dài" - ThS Nguyên giải thích.
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhấn mạnh đây là lúc thí sinh nên xem xét lại việc trúng tuyển sớm đã phù hợp, đúng với sở thích của mình chưa. Nếu đã chắc chắn, thí sinh cứ an tâm đăng ký ngành trúng tuyển sớm vào nguyện vọng 1.
Với những thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thời gian này nên ghi chép, liệt kê các thông tin về ngành học, chương trình đào tạo và điểm chuẩn của năm 2022, 2023 để làm cơ sở lựa chọn.
Cổng đăng ký không giới hạn nguyện vọng, đa số thí sinh đều đăng ký 4-6 nguyện vọng. Nguyện vọng 1 sẽ có mức điểm chuẩn dự đoán nhỉnh hơn điểm thi 0,25 -0,5 điểm; nguyện vọng 2 có điểm chuẩn dự đoán bằng điểm thi; nguyện vọng 3 có điểm chuẩn dự đoán thấp hơn điểm thi.
Theo ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu - Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), để lựa chọn phù hợp, phụ huynh và thí sinh cần quan tâm đến đề án tuyển sinh của từng trường.
Năm 2024 là năm bùng nổ thí sinh tại các phương thức xét tuyển sớm. Điểm chuẩn các phương thức này tăng nhẹ 0,5-1 điểm tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM ở các ngành truyền thống, những ngành "hot" cũng tăng nhẹ.
Bình luận (0)