Mạng lưới CLB Lý luận trẻ các trường đại học - học viện sẽ tạo điều kiện để các đơn vị thành viên gắn kết nhiều hơn, hỗ trợ nhau trong hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên
Mới đây, 13 câu lạc bộ (CLB) Lý luận trẻ và các CLB có mục đích, định hướng hoạt động tương tự (gọi chung là CLB Lý luận trẻ) của 13 trường đại học (ĐH), học viện trên địa bàn TP HCM đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập Mạng lưới CLB Lý luận trẻ các trường ĐH - học viện.
Kỳ vọng tạo được dấu ấn sâu rộng
Với việc thành lập Mạng lưới CLB Lý luận trẻ các trường ĐH - học viện, 13 đơn vị thành viên sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động, diễn đàn trao đổi lý luận chính trị cho đoàn viên, thanh niên; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao nhận diện và vai trò của các CLB trong giáo dục lý tưởng cách mạng; xây dựng môi trường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ nguồn tài liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động chung và riêng của các đơn vị.
Các đơn vị thành viên Mạng lưới CLB Lý luận trẻ cũng sẽ phối hợp, chia sẻ nguồn lực chung, đặc biệt là con người và cơ sở vật chất hợp lý. Bên cạnh đó, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong việc nắm bắt, trao đổi các vấn đề liên quan tình hình tư tưởng trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên và dư luận xã hội, nhất là thông qua hệ thống báo chí và các trang mạng xã hội.
Ý tưởng thành lập Mạng lưới CLB Lý luận trẻ xuất phát từ CLB Lý luận trẻ Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐHQG TP HCM (UEL). Nói về ý tưởng này, sinh viên Trần Lê Trọng Văn, Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ UEL, nhận định đây là mô hình rất hay, được thành lập và duy trì ở tất cả các cấp bộ Đoàn, nhất là trường ĐH - học viện. Tuy nhiên, CLB Lý luận trẻ của các trường hầu như chưa có sự liên kết, phối hợp nhau; nếu có cũng chỉ là riêng lẻ, gần nhau chưa tạo thành hệ thống.
"Nếu CLB Lý luận trẻ liên kết lại với nhau thì có thể tạo được dấu ấn sâu rộng trong sinh viên. Qua đó, sinh viên sẽ thấy CLB Lý luận trẻ được tổ chức bài bản, uy tín, có sự giao lưu với nhau" - Trọng Văn nhận xét.
Theo sinh viên này, việc thành lập Mạng lưới CLB Lý luận trẻ đánh dấu một bước phát triển mới của CLB Lý luận trẻ. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên các CLB liên kết với nhau thành hệ thống và thành lập một mạng lưới để thực hiện các công việc chung.
"Mạng lưới CLB Lý luận trẻ sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên giao lưu, gắn kết nhiều hơn, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tổ chức những chương trình, hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Mạng lưới này cũng sẽ tạo nên tiếng vang, dấu ấn sâu sắc trong đoàn viên, thanh niên. Qua đó, giúp các CLB thu hút được nguồn nhân lực chất lượng từ sinh viên tại đơn vị để tham gia sinh hoạt" - Trọng Văn kỳ vọng.
Mở ra nhiều cơ hội
Sinh viên Đặng Duy Thành, Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ Trường ĐH Công nghiệp TP HCM (IUH), cho biết những năm qua, CLB đã phát huy tối đa năng lực bằng cách tổ chức nhiều hoạt động với hình thức đa dạng để sinh viên tham gia.
CLB Lý luận trẻ IUH đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề tại trường hoặc gắn liền với một số địa chỉ đỏ trong và ngoài TP HCM. CLB tham gia tổ chức các cuộc thi hùng biện nhằm nắm bắt những suy nghĩ, nhận xét của sinh viên về các sự kiện chính trị - xã hội nổi bật trong nước và quốc tế; những vấn đề giới trẻ quan tâm hiện nay; các luồng tư tưởng khác nhau với những góc nhìn mới mẻ, trẻ trung về hiện trạng đất nước.
Theo Duy Thành, CLB Lý luận trẻ IUH cũng vừa tham gia Mạng lưới CLB Lý luận trẻ các trường ĐH - học viện. Mạng lưới này là cầu nối chặt chẽ để các CLB Lý luận trẻ phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực, từ đó củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của CLB tại đơn vị.
"Tôi kỳ vọng thời gian tới, Mạng lưới CLB Lý luận trẻ sẽ tổ chức nhiều diễn đàn, hoạt động nhằm phát huy vai trò của sinh viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng bằng hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả" - Duy Thành mong mỏi.
Tham gia Mạng lưới CLB Lý luận trẻ còn có CLB Tiếng nói Thanh niên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM (USSH). Sinh viên Trần Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm CLB Tiếng nói Thanh niên USSH, nhìn nhận việc tham gia mạng lưới sẽ là bước tiến quan trọng của CLB.
Theo Ánh Ngọc, mạng lưới cũng mở ra cơ hội để CLB Tiếng nói Thanh niên USSH được học hỏi, trao đổi với các CLB có chung định hướng; từ đó cùng nhau khám phá, giải quyết các vấn đề lý luận chính trị đương đại, trở thành những sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng.
"Việc tham gia Mạng lưới CLB Lý luận trẻ hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu, học hỏi giữa các CLB. Tôi cũng mong muốn các thành viên trong mạng lưới có thể vận dụng lý luận và phát triển tư duy phản biện, kỹ năng tranh biện. Điều này sẽ góp phần xây dựng cộng đồng lý luận trẻ vững mạnh" - Ánh Ngọc bày tỏ.
Không "khó nhằn", khô khan
Thời gian tới, Ban Điều hành Mạng lưới CLB Lý luận trẻ các trường ĐH - học viện sẽ tiến hành họp bàn, thống nhất chương trình hoạt động cụ thể của năm học 2024-2025. Trong đó, mạng lưới sẽ tổ chức các chương trình chung, có sự tham gia của các đơn vị thành viên; phối hợp tập huấn, bồi dưỡng thành viên dựa vào đặc thù, thế mạnh của từng đơn vị.
Mạng lưới CLB Lý luận trẻ cũng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình nhằm lan tỏa hình ảnh CLB Lý luận trẻ đến gần hơn với sinh viên. Qua đó, giúp sinh viên thấy rằng các vấn đề lý luận, chính trị không "khó nhằn", khô khan mà sinh động, hấp dẫn, bổ ích thông qua nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau.
Bình luận (0)