GS-TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - trong một hội thảo mới đây đã nhấn mạnh: Kỷ nguyên mới của dân tộc là giai đoạn mà đất nước, dân tộc phải vươn lên mãnh liệt, phát triển vượt bậc ở một tầm cao mới, trình độ mới, chất lượng mới.
Yêu cầu của lịch sử
Theo GS-TS Phùng Hữu Phú, gần 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, dân tộc ta đã trải qua 2 kỷ nguyên vẻ vang: Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng CNXH (1930-1975) và kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975-2025).
Trong đó, kỷ nguyên thứ hai mở đầu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên CNXH vào năm 1975, tạo tiền đề vững chắc để đất nước - dưới sự lãnh đạo của Đảng - tiến hành công cuộc đổi mới. Bây giờ, Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - mà thời điểm mở đầu là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986-2026).
"Mỗi kỷ nguyên đều xuất hiện một cách khách quan những yêu cầu lịch sư,̉ đòi hỏi quốc gia, dân tộc phải đáp ứng tốt nhất để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đã xác định" - GS-TS Phùng Hữu Phú nhìn nhận.
Ông Phùng Hữu Phú cho rằng chính những thành tựu lịch sử đạt được qua 2 kỷ nguyên đấu tranh, lao động sáng tạo bền bỉ đã tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN. Đích đến là dân giàu, nước mạnh, xã hội XHCN, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược để đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao.
"Mục tiêu của kỷ nguyên thứ ba là sự tích hợp ở tầm cao mới, trình độ mới những mục tiêu của 2 kỷ nguyên trước; phản ánh sự phát triển về chất của mục tiêu độc lập dân tộc, CNXH, của sự vận động biện chứng độc lập - tự do - hạnh phúc. Kỷ nguyên mới đặt ra những yêu cầu lịch sử đặc biệt, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nhận thức sâu sắc, quyết tâm, quyết liệt hành động để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" - GS-TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Nhân dân là nền tảng
Bước vào kỷ nguyên mới, nhiệm vụ tiếp tục cải cách mô hình tổ chức, hoạt động của từng thiết chế thành viên trong hệ thống chính trị và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị vẫn là trọng tâm.
Theo PGS-TS Lê Minh Thông, nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội, những bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Đảng, của bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội nếu chậm được khắc phục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình vươn mình của dân tộc. Do đó, cần tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị; sắp xếp, kiện toàn bộ máy nhà nước rõ về chức năng, tinh gọn về tổ chức, hiệu quả về hoạt động, ngang tầm yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới. Song song đó là đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa, nhà nước hóa của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; dựa vào nhân dân để đổi mới hệ thống chính trị.
PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, khẳng định những kết quả đạt được sau 40 năm đổi mới là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên CNXH.
Ông Vũ Văn Phúc nêu rõ 3 trụ cột cốt lõi của CNXH Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN. Ba trụ cột này có mối quan hệ biện chứng, tác động ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau. Nền tảng của 3 trụ cột là nhân dân, "dân là gốc", "dân là chủ", "dân là trung tâm", dân vừa là mục tiêu vừa là động lực, nguồn lực cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
"Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công CNXH, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là thời điểm hội tụ tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - PGS-TS Vũ Văn Phúc nhìn nhận.
Chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức
Chỉ còn hơn một năm nữa là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sẽ được tổ chức, GS-TS Phùng Hữu Phú lưu ý phải bắt đầu ngay từ bây giờ với tinh thần vào cuộc tích cực, quyết liệt, tạo những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà nòng cốt là toàn hệ thống chính trị.
TS Bùi Thế Đức, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng chính là thời điểm hội tụ tổng hòa các lợi thế, sức mạnh của dân tộc ta qua 95 năm Đảng lãnh đạo, nhất là 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Những thành tựu vĩ đại và có ý nghĩa lịch sử chính là nền tảng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững tin hoàn thành sứ mệnh đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông ĐỖ ĐỨC DUY, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Giải phóng nguồn lực tài nguyên
Xác định môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, gồm kinh tế, văn hóa, xã hội - môi trường, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường sẽ đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và cả nhiệm kỳ.
Trong đó, quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đi đôi với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm bộ máy sau sắp xếp phải thực sự tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên - môi trường; bổ sung thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp để hướng tới mục tiêu Net Zero. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực tài nguyên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Tinh gọn bộ máy, thêm nguồn lực cho đầu tư, phát triển
Thực trạng hiện nay cho thấy bộ máy nhà nước còn quá cồng kềnh và thiếu hiệu quả. Một tỉ lệ ngân sách không nhỏ phải sử dụng để chi trả cho các đối tượng hưởng lương trong khu vực công - khoảng 3 triệu người, trong đó có hơn 200.000 cán bộ, công chức, còn lại là viên chức. Tinh gọn bộ máy sẽ giúp cả nước có nhiều nguồn lực hơn dành cho đầu tư, phát triển, thay vì bảo đảm nhiệm vụ chi thường xuyên quá lớn.
Mục tiêu quan trọng đề ra trong Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng không chỉ là tinh gọn bộ máy mà còn nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng và đoàn thể. Việc này còn có ý nghĩa hơn là giảm số lượng người hưởng lương ngân sách.
PGS-TS NGUYỄN HỒNG SƠN, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương:
Nỗ lực phi thường, vượt qua chính mình
Để đất nước vươn mình, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được các mục tiêu đã đặt ra và vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tiên tiến, văn minh, hiện đại, cần có những giải pháp mang tính đột phá, giải phóng sức sản xuất và khơi thông nguồn lực - nhất là tạo sự đột phá trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.
Cần xác định rõ, thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, thực hiện thành công tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh...
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quản lý, sử dụng các nguồn lực; tinh gọn bộ máy, hiện đại hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; lấy người dân làm trung tâm, người dân tham gia, thụ hưởng kết quả quản lý và sử dụng các nguồn lực; tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với kiểm tra, giám sát và trách nhiệm người đứng đầu...
Bối cảnh phát triển mới có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó khó khăn có phần nổi trội hơn. Trong khi đó, chúng ta có khát vọng lớn về phát triển đất nước nên để đạt được các mục tiêu đặt ra, cần có những nỗ lực phi thường, phải "vượt qua chính mình".
GS-TS VŨ VĂN HIỀN, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản:
Đổi mới và mở cửa
Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam có nhiều thời kỳ phát triển hết sức rực rỡ, nhưng có lẽ chưa bao giờ phong độ của đất nước, vị trí của dân tộc lại được khẳng định mạnh mẽ như bây giờ. Công cuộc đổi mới trong gần 40 năm qua đã đạt được những thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta. Cùng với thắng lợi của công cuộc đổi mới, trong những năm qua, chúng ta đã hội nhập quốc tế cả về bề rộng, chiều sâu và tầm cao khi trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện với 8 quốc gia hàng đầu thế giới.
Thực tế đã chứng tỏ đường lối đổi mới và chính sách mở cửa hội nhập quốc tế là hết sức đúng đắn, cần được tiếp tục thực hiện tốt hơn. Đổi mới và mở cửa là hai nhiệm vụ chiến lược, hai vấn đề có mối quan hệ mật thiết thúc đẩy lẫn nhau, hai yếu tố tạo ra động lực cho đất nước bứt lên. Trong đó, đổi mới là tự gạt bỏ và tháo dỡ những cản trở, tổ chức lại xã hội, giải phóng mọi năng lực, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng để tạo ra nội lực cũng như sự thông thoáng bên trong. Mở cửa hội nhập là sự vươn xa, nhân lên sức mạnh đang có, tiếp thu những nguồn lực mới.
Tầm vóc của công cuộc xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới càng lớn bao nhiêu thì những vấn đề mà chúng ta cần giải quyết càng khó khăn, phức tạp bấy nhiêu. Kỷ nguyên mới đòi hỏi ý chí và nghị lực lớn, bởi đây thực chất là một cuộc cách mạng và sáng tạo.
Bình luận (0)