Đội ngũ trí thức của chúng ta thừa hưởng thành quả đấu tranh và xây dựng kinh tế - xã hội của các thế hệ đi trước nên có điều kiện học tập, làm việc, nghiên cứu khoa học thuận lợi hơn. Vai trò của họ cũng ngày càng quan trọng hơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Sớm giác ngộ tinh thần dân tộc
Trải qua gần trăm năm đô hộ của thực dân, chúng tưởng rằng đã biến một phần lãnh thổ vùng Viễn Đông của nước Pháp và người dân nước ta quên đi cội nguồn. Thế nhưng, chúng đã sai lầm.
Bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở Pháp và Người đã lên tiếng đòi quyền tự quyết dân tộc, thức tỉnh người dân nước Việt. Trí thức là những người thức tỉnh, hưởng ứng sớm nhất.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, rất nhiều trí thức dù được đào tạo dưới chế độ phong kiến, thực dân nhưng đã sớm giác ngộ tinh thần dân tộc. Họ từ bỏ cuộc sống đủ đầy để dấn thân đi làm cách mạng và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như: kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật…
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vai trò của đội ngũ trí thức yêu nước nổi bật ở các hoạt động của những phong trào đấu tranh chính trị tại các đô thị lớn. Tiếp đến, trong tình hình khó khăn của những ngày đầu giải phóng, ở Sài Gòn (TP HCM ngày nay), nhiều trí thức đã cùng chính quyền và nhân dân thành phố tìm cách tháo gỡ, từng bước phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển các hoạt động xã hội.
Đội ngũ trí thức ngày nay không chỉ giữ vững, phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của lớp người đi trước. Quan trọng hơn, họ phải nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật để đóng vai trò là đội tiên phong trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngang tầm với thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… Đội ngũ trí thức phải có trí tuệ và bản lĩnh chính trị đủ mạnh để chống lại những luận điệu của các thế lực thù địch nhằm thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình và xuyên tạc lịch sử.
Loại bỏ dần điểm mờ
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trí thức đã được nêu rõ ngay từ thời kỳ vận động đấu tranh cách mạng: "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc… Trí thức ái quốc sẽ cùng toàn thể đồng bào kiến thiết một nước Việt Nam mới; thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc…".
Người cũng chỉ ra nếu có kiến thức mà không phục vụ lợi ích của nhân dân thì đó chỉ là "trí thức một nửa". Vì vậy, đội ngũ trí thức ngày nay phải kế thừa quan niệm "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", phát triển thêm yếu tố yêu nước và sự cống hiến.
Bức tranh toàn cảnh tươi sáng của đội ngũ trí thức ngày nay là thế mạnh về khoa học - công nghệ, thể hiện ở các trung tâm nghiên cứu đa ngành, những khu công nghệ cao, ngành viễn thông, chuyển đổi số, công nghệ xây dựng, giao thông, môi trường, giáo dục - đào tạo, hoạt động văn hóa - nghệ thuật…
Tuy nhiên, nhìn vào chi tiết, vẫn còn không ít điểm mờ. Đó là tình trạng một số trí thức không dám nghĩ, không dám làm, sợ trách nhiệm… Trí thức cũng có nhu cầu cuộc sống như mọi người và một bộ phận cũng có những sai lầm trong công việc, đời sống.
Tuy nhiên, một số người có bằng cấp, địa vị nhưng trước những hiện tượng tiêu cực xã hội hoặc sai lầm về lãnh đạo, họ không có khả năng phản biện khách quan mang tính xây dựng. Ngược lại, họ còn phản bác, chê bai, thậm chí diễn giải như đó là bản chất của chế độ.
Có lẽ họ cho rằng chê bai là để thể hiện trình độ lý luận nhưng không nhận ra tác dụng ngược là bộc lộ sự hạn chế về tư duy biện chứng. Có thể họ không chống đối chính trị nhưng do là người có ảnh hưởng xã hội nên các thế lực thù địch lợi dụng họ để tuyên truyền, xuyên tạc. Phải chăng, những "trí thức một nửa" ấy là điểm mờ trong bức tranh tươi sáng của trí thức?
Để xây dựng đội ngũ trí thức dám nghĩ, dám làm, cần phải vận dụng cách đối xử với trí thức mà Bác Hồ đã dạy. Một là, phải phát huy tinh thần yêu nước và ý thức tự trọng dân tộc của trí thức. Hai là, trân trọng trí thức, tìm kiếm người tài đức là nghĩa vụ và bổn phận của nhà lãnh đạo. Ba là, phải tin dùng, mạnh dạn trao cho trí thức những nhiệm vụ tương xứng với tài năng, đức độ. Bốn là, phải chăm lo đào tạo đội ngũ trí thức mới với tầm nhìn vì sự nghiệp trăm năm. Năm là, phải giữ danh giá của người lãnh đạo mà đối xử với trí thức…
Nói cách khác, quá trình hạn chế, loại bỏ dần những "trí thức một nửa" cũng là một phần của công cuộc xây dựng đội ngũ trí thức dám nghĩ, dám làm.
Đội ngũ trí thức cần thấm nhuần hơn nữa những giá trị cao đẹp nhất về đạo đức và trí tuệ từ tư tưởng Hồ Chí Minh; trang bị trí tuệ và kiến thức ngang tầm trình độ khoa học của công nghiệp 4.0; trau dồi lòng tự trọng, bởi có lòng tự trọng, tự hào dân tộc sẽ sản sinh lòng yêu nước và ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận (0)