Kinh tế số TP HCM đến năm 2025 phấn đấu đạt 20%, năm 2030 đạt 40%, đến năm 2030 trở thành đầu tàu kinh tế số của cả nước. Để đạt mục tiêu đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Nâng cao nhận thức về kinh tế số
Do việc chuyển đổi sang kinh tế số còn mới nên TP HCM cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về kinh tế số cho mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội. Khi có tri thức nhất định về kinh tế số, người dân mới hình dung được kinh tế số là gì, vai trò, hiệu quả của nó, tạo ra nhu cầu để họ tham gia nền kinh tế số.
TP HCM cần xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, trang bị kỹ năng số cho người lao động tại thành phố. Đồng thời, cần hỗ trợ, mở các khóa học và các chương trình bồi dưỡng kỹ năng mới cho những người lao động bị mất việc và những người có nguy cơ bị mất việc do chuyển đổi số. Cần đặt hàng cho các trường đại học, học viện có uy tín để xây dựng các chương trình đào tạo về chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, quản trị số, nhà lãnh đạo kỹ thuật số... làm cho nhu cầu về kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung bước lên diễn đàn học thuật và đi vào hoạt động giáo dục, dạy nghề. Từ đó tạo nền giáo dục có chuyên môn hướng đến chuyển đổi số.
TP HCM sớm xây dựng đội ngũ chuyên gia công nghệ số làm đầu tàu cho việc hình thành kinh tế số trong các lĩnh vực kinh tế. Những lĩnh vực kinh tế giữ vai trò động lực phát triển kinh tế thành phố cần phải xây dựng cơ quan chuyên trách về chuyển đổi kinh tế số, do giám đốc kỹ thuật số đảm nhiệm, bên cạnh đó có các chuyên gia chuyển đổi số phụ trách các bộ phận. Được biết, có doanh nghiệp, khi người lao động nộp sản phẩm, trong điện thoại của họ đã thông báo tiền lương được hưởng, mỗi ngày làm việc tích cực, kết quả thu nhập đã hiển thị cho họ thấy, nhờ đó mà hiệu quả sản xuất tăng bền vững. Có như vậy, việc chuyển sang nền kinh tế số mới nhanh, bớt mò mẫm, đồng bộ và hiệu quả.
Đồng bộ chính quyền thông minh
Trong quá trình phát triển nền kinh tế số, cần bảo đảm sự phát triển đan xen, những đơn vị kinh tế số hỗ trợ đơn vị kinh tế truyền thống để chuyển đổi sang kinh tế số, làm cho nền kinh tế chuyển đổi số đồng bộ, nhịp nhàng.
TP HCM cần phải mở rộng kết nối internet trong nước thông suốt, mở rộng nâng cao chất lượng kết nối internet khu vực và quốc tế. Phát triển hạ tầng internet nhanh, mạnh, thông minh; tạo ra, quản lý và khai thác nhiều dữ liệu giá trị; phát triển các công nghệ mới, ứng dụng các giải pháp mới, bảo đảm tài nguyên cho môi trường số. Từ đó, bảo đảm nền tảng số ổn định, chất lượng tốt làm cơ sở cho kinh tế số phát triển.
Trên cơ sở, nguồn dữ liệu sẵn có, TP HCM cần xây dựng nhanh, kịp thời dữ liệu số. Trong xã hội công nghệ thông tin thì dữ liệu là trái tim của nền kinh tế số. Nguồn tài nguyên có thể khai thác cạn kiệt nhưng dữ liệu là vô hạn. Dữ liệu kinh tế là sự sống của nền kinh tế số. Qua đó, mọi thông tin về kinh tế của thành phố được công khai, minh bạch, giúp doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ khai thác thông tin phục vụ sản xuất - kinh doanh, đồng thời chống được các hiện tượng tiêu cực.
Bên cạnh đó, thành phố cần thiết lập, xây dựng hệ thống đồng bộ chính quyền thông minh, để số hóa các thủ tục hành chính, hợp đồng kinh tế, hóa đơn điện tử, cũng như hệ thống thanh toán tài chính, khai thuế, thu thuế... Nhà doanh nghiệp, người sản xuất, cơ sở dịch vụ đều yên tâm kinh doanh, sản xuất mà không mất thời gian nhiều trong giải quyết các thủ tục hành chính.
TP HCM cần có chính sách khen thưởng, chế độ hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, sản xuất - kinh doanh thực hiện chuyển sang kinh tế số nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế số của TP HCM. Đồng thời, cũng cần xây dựng cơ quan chuyên trách hay dịch vụ hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số thuận lợi hơn.
Bình luận (0)