Việc phát triển mảng xanh không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm nhiệt độ đô thị mà còn mang lại lợi ích về mặt thẩm mỹ và sức khỏe cho cư dân. Để xây dựng một thành phố phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, việc nâng cao mảng xanh là một giải pháp quan trọng.
Một trong những giải pháp đầu tiên và quan trọng là tăng cường trồng cây xanh tại các khu vực công cộng như công viên, vườn hoa, dải phân cách, khu vực đất trống ven sông, ven đường và các nơi chưa xây dựng. Các khu vực này không chỉ cung cấp không gian thư giãn cho người dân mà còn giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
TP HCM cần mở rộng diện tích các mảng xanh, nhất là ở các khu vực có mật độ dân cư cao như quận 1, quận 3, quận 5. Nơi nào có điều kiện, cần xây dựng thêm công viên, nhất là ở các địa phương đang đô thị hóa mạnh mẽ như Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh. Những công viên này có thể được thiết kế với đa dạng cây xanh, hoa, bãi cỏ, hồ nước, tạo nên không gian thư giãn cho cư dân.
Cần kết hợp giữa công viên và khu vui chơi cộng đồng. Công viên nhỏ có thể được xây dựng thành khu vui chơi, thể thao ngoài trời để tạo ra không gian sinh hoạt, giải trí cho các hộ gia đình, nhất là ở khu vực có mật độ dân cư cao.
Ngoài ra, TP HCM cần chú ý tạo không gian xanh tại các khu vực ven sông và kênh rạch. Tận dụng không gian ven các con sông, rạch để trồng cây xanh sẽ giúp cung cấp bóng mát và tạo ra không gian xanh sinh động. Thành phố cần quy hoạch mạng lưới cây xanh hợp lý, gắn với sự phát triển các khu dân cư và mức tăng của mật độ dân số, để bảo đảm thời gian tới có mảng xanh phù hợp và mật độ cây xanh không giảm.
Những tuyến đường chính, vỉa hè và các khu dân cư của TP HCM có thể được phủ xanh bằng các loại cây xanh phù hợp, nhất là một số loài hoa, cây thân cỏ. Việc này không chỉ mang lại lợi ích về thẩm mỹ mà còn góp phần vào việc cải thiện không khí.
Cần chú trọng trồng cây trên các dải phân cách của các tuyến đường lớn, để tạo bóng mát và giảm khí thải từ phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, việc trồng cây xanh trên các vỉa hè, nhất là ở khu vực nhà chờ xe buýt, cũng giúp giảm bụi bẩn và tạo cảnh quan đẹp mắt.
TP HCM cần quan tâm lựa chọn loại cây phù hợp với điều kiện đường sá, vỉa hè, mật độ dân cư và lưu thông. Việc lựa chọn các loại cây dễ thích nghi với khí hậu TP HCM, như chuông vàng, hoa giấy, lan đại tướng quân, lan ý và một số cây thân gỗ như bằng lăng, kèn hồng, bò cạp nước, phượng, lộc vừng... sẽ giúp cây xanh phát triển tốt. Cần ưu tiên các loại cây ít gãy đổ, có khả năng chịu được nắng nóng và làm sạch không khí.
Hiện nay, ở một số đô thị lớn trên thế giới, việc áp dụng các mô hình "vườn thẳng đứng" trên những mặt tiền tòa nhà, sân thượng được coi là giải pháp hiệu quả để tạo ra không gian xanh trong môi trường đô thị.
TP HCM cần khuyến khích xây dựng "vườn thẳng đứng" ở các khu nhà cao tầng. Chủ đầu tư và công ty xây dựng cần được khuyến khích áp dụng mô hình "vườn thẳng đứng" trên các tòa nhà, đặc biệt là tòa nhà văn phòng, chung cư và khu trung tâm thương mại. Thành phố có thể có các chính sách hỗ trợ, như giảm thuế hoặc ưu đãi về thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện việc này.
Một số nơi thuận lợi ở TP HCM có thể thực hiện xanh hóa mái nhà. Việc trồng cây xanh trên mái giúp giảm nhiệt độ bên trong các tòa nhà, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động của hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Để duy trì và phát triển mảng xanh một cách bền vững, việc tuyên truyền và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ cây xanh là rất quan trọng. Các chiến dịch tuyên truyền cần được tổ chức thường xuyên để người dân nhận thấy rõ về lợi ích của cây xanh và cách bảo vệ cây.
Ngoài việc trồng mới, TP HCM cũng cần khuyến khích người dân bảo vệ cây xanh hiện có, tránh tình trạng phá hoại cây. Các đoàn thể tại khu dân cư có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và phản ánh tình trạng này với cơ quan chức năng và có hình thức xử lý nghiêm khắc.
Việc quản lý cây xanh hiện có tại TP HCM cần được nâng cao để bảo vệ và chăm sóc tốt. Các đơn vị quản lý cây xanh cần có kế hoạch bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra tình trạng cây để phát hiện và xử lý sớm sâu bệnh, có thể gãy đổ, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Bình luận (0)