Sáng 19-12, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, và bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ trì Hội thảo khoa học "Xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện 19 Công đoàn ngành Trung ương và một số LĐLĐ tỉnh, thành phía Bắc.
Khai mạc hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh văn hóa công nhân đang là một khoảng trống về học thuật, trong khi đời sống văn hóa công nhân đứng trước nhiều thách thức. Một bộ phận không nhỏ công nhân không có điều kiện thụ hưởng các giá trị văn hóa và càng không có cơ hội sáng tạo các giá trị văn hóa.
Theo ông Hiểu, nhiều vấn đề đặt ra trong văn hóa lao động, sản xuất; văn hóa giao tiếp, ứng xử; văn hóa giải trí; văn hóa gia đình và cộng đồng trong công nhân. Chính vì vậy, hội thảo này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn đang nỗ lực xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Ngọ Duy Hiểu tin tưởng thành công của hội thảo sẽ cung cấp thêm luận cứ trong việc xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển văn hóa trong công nhân, đóng góp cho việc hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng và tổng kết lý luận 40 năm đổi mới của Đảng.
Tại hội thảo, TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết văn hóa công nhân tác động tới năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hai cách. Thứ nhất, dựa trên quy trình sản xuất kinh doanh hiện có của doanh nghiệp, công nhân tuân thủ nghiêm ngặt giống như một hệ thống tự động hóa đã được lập trình. Thứ hai, công nhân chủ động tham gia đổi mới, sáng tạo, thiết kế và cải tiến quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Quan sát thực tiễn hiện nay cho thấy văn hóa công nhân đang được xây dựng theo cách thứ nhất là chủ yếu. Các doanh nghiệp đang chủ yếu coi tính kỷ luật trong công việc của công nhân là một yếu tố quan trọng không thể thiếu để góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo thành công cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên bà Lan nhấn mạnh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu xây dựng văn hóa công nhân dựa trên tính kỷ luật sẽ không đóng góp cho sự chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất lao động.
Văn hóa với tư cách là cái đẹp sẽ không thể phát triển trong sự áp đặt văn hóa, mà phải được xây dựng trong sự tôn trọng và đảm bảo quyền, trong đó có quyền được nói, được tham vấn, được tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan tới công nhân.
Công nhân không thể ứng xử tốt, ứng xử có văn hóa khi người quản lý của họ lăng mạ và xúc phạm họ. Công nhân không thể làm việc hiệu quả, năng suất, chất lượng khi môi trường làm việc buộc họ phải làm việc cật lực và không được tham gia ý kiến.
Công nhân "sợ không dám nói" hoặc "nói cũng không giải quyết vấn đề gì" là biểu hiện của từ chối quyền tham gia của công nhân. Văn hóa công nhân trong thời đại mới không phải tuân thủ kỷ luật, kỷ cương và làm việc giống như một cái máy để tạo ra năng suất.
Văn hóa công nhân chỉ có thể phát triển trong tôn trọng và đảm bảo quyền. Điều này có nghĩa là nếu hành vi, ứng xử của công nhân chưa thể hiện nét đẹp của văn hóa công nhân, điều này có trách nhiệm lớn của người quản lý và cơ chế quản lý, vận hành của doanh nghiệp.
Bình luận (0)