Chiều 19-3, Tọa đàm – Giao lưu trực tuyến Cảnh báo sử dụng điện mùa nắng nóng do Báo Tuổi trẻ tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi của khách hàng sử dụng điện trên cả nước.
Nhiều bạn đọc đã thắc mắc về các giải pháp sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất trong mùa nắng nóng năm 2024.
Khách hàng Mai Phương (ngụ Kiên Giang) thắc mắc nếu thất thoát điện do công tơ điện hoặc thất thoát do đường dây thì là trách nhiệm thuộc về ai?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, cho biết công tơ điện là điểm ranh giới phân chia trách nhiệm giữa bên bán và bên mua điện. Nếu rò rỉ ở phía trước công tơ điện thì bên bán điện sẽ chịu trách nhiệm. Nếu rò rỉ phía sau công tơ điện thì sẽ do bên mua điện chịu trách nhiệm.
"Trường hợp một trong hai bên nghi ngờ công tơ không chính xác thì có thể phản ánh với bên còn lại để kiểm định lại công tơ. Trường hợp một trong hai bên không đồng ý với kết quả kiểm định thì có thể trưng cầu bên phía thứ 3 để kiểm định, bên nào sai thì phải chịu chi phí kiểm định" - ông Thế Hữu nói.
Một số khách hàng hỏi về các sử dụng thiết bị điện thế nào cho tiết kiệm, hiệu quả, cách xác định khung giờ cao điểm cũng như giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng năm nay. Lần lượt từng câu hỏi được ban tổ chức trả lời cặn kẽ.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), thông tin: theo Quyết định 28 năm 2024, giờ cao điểm là từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và 17 giờ đến 20 giờ; giờ thấp điểm là từ 22 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau. Còn lại là giờ bình thường.
"Với mỗi khung giờ sẽ áp dụng giá điện khác nhau. Ngành điện khuyến cáo khách hàng vào giờ cao điểm hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn, chuyển nhu cầu sử dụng vào những giờ thấp điểm hoặc là giờ bình thường. Đối với sản xuất thì làm sao cho tổng sản lượng điện sử dụng là không thay đổi" - ông Kiên chia sẻ.
Về tình hình cung ứng điện năm 2024, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết từ đầu năm 2024 cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc đã đạt 14,5%, tăng gấp 3 lần so với 2023.
Năm nay dự báo thời tiết nắng nóng, nền nhiệt toàn quốc duy trì mức cao, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện khách hàng tăng cao. Vấn đề cung ứng, sử dụng điện trở nên cấp bách.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hữu cho biết năm nay, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao và EVN đã có nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng điện.
Hiện nay, các nhà máy thủy điện đã tích đầy nước để chuẩn bị cho mùa khô, không chỉ sản xuất điện mà phục vụ nước cho sản xuất.
Các nhà máy nhiệt điện, nhà máy tua-bin khí thì đã rà soát về nhiên liệu, hệ thống để xử lý ngay các sự cố. Bên cạnh đó, việc bám sát vận hành các nhà máy điện được theo dõi, xử lý sát sao.
Ngành điện đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến truyền tải điện, đường dây 500kV, đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Huy động nguồn điện đắt tiền
Ông Võ Quang Lậm cho hay EVN đang tập trung huy động lớn nguồn nhiệt điện, với mục tiêu vừa bảo đảm điện cho kinh tế xã hội, vừa bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp bởi dự kiến mùa khô năm nay kéo dài. Do đó, EVN phải huy động ngay nguồn điện đắt tiền là nhiệt điện vào đầu mùa khô. Trong đó, nguồn nhiệt điện sẽ huy động với mức tăng trưởng 145% so với 2023.
EVN cũng sẽ huy động tối đa nguồn điện tái tạo vào các ngày trong tuần, trừ các ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Theo đó, sẽ huy động nguồn điện gió cao hơn năm ngoái 25% trong khi đó nguồn điện mặt trời cũng sẽ được huy động cao hơn năm ngoái 19%.
Bình luận (0)