Quy mô thị trường gọi xe tại Việt Nam năm 2023 là 727,73 triệu USD, dự kiến tăng 880 triệu USD trong năm 2024 và đạt 2,16 tỉ USD vào năm 2029. Tỉ lệ tăng trưởng giai đoạn 2024 - 2029 dự báo ở mức 19,5%/năm.
Cú hích từ sự ra đời của Xanh SM
Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (trụ sở tại Ấn Độ), sự xuất hiện của xe điện Xanh SM trong năm 2023 đã tạo ra "cuộc cách mạng" trong lĩnh vực gọi xe công nghệ của Việt Nam khi làm xáo trộn thứ hạng, thị phần của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Tính đến tháng 12-2023, chỉ sau hơn 7 tháng chính thức gia nhập thị trường, Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường gọi xe, gấp đôi thị phần của đối thủ từng đứng thứ 2 trước đó là Be Group. Bên cạnh đó, so với các đơn vị sở hữu đội xe tự doanh, dịch vụ taxi của Xanh SM cũng dẫn đầu về số lượng xe sở hữu và số chuyến xe mỗi ngày.
Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường là trong xu hướng xe điện ngày càng được ưa chuộng hơn, hãng taxi truyền thống cũng chuyển từ sử dụng xe xăng sang xe điện để tạo lợi thế cạnh tranh, giữ thị phần.
Chẳng hạn, ngày 29-3, Công ty TNHH Đồng Thúy - đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi - đã ký biên bản mua và thuê bổ sung 2.500 ô tô điện VinFast từ Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (GSM). Trước đó, năm 2023, hãng taxi này đã đầu tư 500 xe điện nhằm chuyển đổi dần sang phương tiện xanh. Trong khi đó, Công ty CP Sun Taxi đầu tư lớn 3.000 xe điện VF5 Plus để thay dần xe xăng đang hoạt động tại Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...
Hàng loạt thương hiệu taxi truyền thống như Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh), Én Vàng (Hải Phòng), Xanh Sapa (Lào Cai), Airports (Hà Nội)... cũng có động thái tương tự. Theo GSM, tính đến thời điểm này, công ty đã cung cấp ô tô điện cho khoảng 30 doanh nghiệp (DN) có dịch vụ taxi hoặc vận chuyển hành khách theo hợp đồng.
Không thể đứng ngoài xu hướng, các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh đã mua mới số lượng không nhỏ xe điện, xe hybrid. Về phía hãng xe công nghệ, Be "bắt tay" với GSM đưa xe điện vào hoạt động, còn Gojek và Garb cũng đang đầu tư để triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách và giao đồ bằng xe điện.
Vẽ lại bức tranh thị trường
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sun Taxi, cho rằng sử dụng xe điện là xu thế chung của thế giới, giúp DN tối ưu số lượng nhân sự vận hành, tiết kiệm đáng kể chi phí bảo trì, bảo dưỡng.
Với ô tô hybrid, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch HĐQT Vinasun, đánh giá khi vận hành trong đô thị với vận tốc không cao, xe sẽ hoàn toàn sử dụng điện nên tiết kiệm chi phí khá lớn. Ngoài ra, xe hybrid giúp tài xế tiết kiệm được thời gian, công sức; giúp DN nâng cao chất lượng dịch vụ và góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Phạm Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đồng Thúy, cho biết sau hơn một năm sử dụng ô tô điện cho dịch vụ taxi, hiệu quả kinh doanh của DN tăng đáng kể nhờ cắt giảm được 32%-37% chi phí vận hành. Nhận được đánh giá tích cực từ hành khách trong nước và du khách quốc tế, Lado Taxi quyết định mở rộng đội xe điện với mục tiêu thay thế 90% xe xăng.
Bức tranh thị trường taxi gần như được vẽ lại hoàn toàn trong những năm gần đây. Hãng taxi công nghệ chiếm lĩnh thị trường buộc các hãng taxi truyền thống phải chuyển mình để nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ thị phần trong một thị trường khốc liệt. Giữa bối cảnh này, các dòng xe thuần điện, xe "lai" với nhiều ưu điểm đã được cả hãng xe công nghệ lẫn truyền thống lựa chọn sử dụng như một lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vẫn còn nhiều rào cản liên quan hạ tầng trạm sạc, giá cả... Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết nhiều hãng taxi trên địa bàn rất muốn chuyển đổi sang xe điện nhưng chi phí đầu tư quá lớn, cần sự hỗ trợ từ nhà nước.
"Giá ô tô điện vẫn cao hơn ô tô truyền thống nên để mua xe số lượng lớn từ 100 - 1.000 chiếc, DN phải vay vốn ngân hàng từ 65 - 650 tỉ đồng. DN kiến nghị được tiếp cận vay vốn không lãi suất để chuyển đổi phương tiện xe xăng sang xe điện và miễn, giảm một số thuế, phí khác" - ông Hùng nói.
Bình luận (0)