Tại hàng loạt địa điểm dọc Quốc lộ 1, vị trí một số cây xăng hay đường nhánh ở trung tâm TP HCM..., hoạt động đón trả người và hàng hóa của xe khách vẫn thản nhiên diễn ra hằng ngày.
Đưa - đón chớp nhoáng
Tối 12-6, tại bãi xe số 22 Nguyễn Văn Đừng, phường 6, quận 5, TP HCM (gần trụ sở Công an phường 6), nhiều xe khách mang tên Đại Ngân ra vào đón trả khách, giao nhận hàng hóa. Theo ghi nhận của phóng viên, mặt đường trước "bến" chỉ rộng chừng 8 m. Mỗi khi những phương tiện này ra vào thì các phương tiện khác phải hãm tốc độ để tránh, thậm chí dừng chờ đợi, gây cảnh ùn ứ.
Nhân viên bãi xe xác nhận "bến" này là của nhà xe Đại Ngân chạy tuyến TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre, hoạt động gần 1 năm nay. Người này cho hay xe ra vào trả khách, đón khách rồi rời đi trong khoảng 15 phút. Khi buộc phải qua đêm, xe được tập kết ở một địa chỉ tại quận 8 để "tránh lực lượng chức năng dễ hơn".
Khi phóng viên liên hệ với tổng đài đặt vé của nhà xe này, một người cho biết mọi chuyến xe đều đón trả khách tại số 22 Nguyễn Văn Đừng.
Cũng tại quận 5, ở địa chỉ 26 Phó Cơ Điều, phường 12, phóng viên ghi nhận xe của nhà xe Hảo (tuyến TP HCM - Cà Mau) nhộn nhịp đón khách. Bên trong có quầy bán vé, ghế ngồi chờ, nhà vệ sinh… không khác gì bến xe chính thức. Lúc 20 giờ 30 phút tối 12-6, hơn chục người tay xách nách mang hành lý ngồi chờ. Ít phút sau, phương tiện mang biển số 51B 218… xuất hiện; sau khi khách lên xe thì nhanh chóng rời đi.
Thỏa hiệp vì thấy tiện?!
Có mặt tại trạm dừng xe buýt đối diện cổng Trường Đại học Nông Lâm TP HCM trên Quốc lộ 1, đoạn qua phường Linh Trung, TP Thủ Đức, ống kính phóng viên liên tục thu lại hình ảnh xe khách dừng, đỗ tấp nập. Từ sáng đến khuya, rất nhiều người ngồi chờ bên quán nước, vỉa hè, thậm chí lòng đường để chờ di chuyển. Cứ 5 đến 10 phút, xe của các hãng như Tư Tiến, Như Quỳnh... chạy tới tấp vào, nhận người rồi lập tức lăn bánh.
Cách Bến xe Miền Đông cũ khoảng 100 m, đoạn trước cây xăng Lan Anh (220 - 222 Quốc lộ 13, quận Bình Thạnh), vô số xe khách thản nhiên đưa người lên xuống. Trong nhiều ngày quan sát, phóng viên nhận thấy xe giường nằm Hoàng Yến, Thành Công, Như Quỳnh, Giác Ngà... liên tục ghé nơi này. Đáng nói, đây là nơi đông phương tiện qua lại, nhất là sau 22 giờ thì ô tô tải, xe container lưu thông rất nhiều, khả năng rủi ro về tai nạn không ít.
Trong khi đó, địa chỉ 152 Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh là nơi đón trả khách tấp nập của nhà xe Long Vân (TP HCM - Tây Nguyên). Còn tại 57 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, mỗi tối, xe khách Quang Danh (TP HCM - Đắk Lắk) dừng, đỗ để tiến hành các hoạt động tương tự...
"Chính quyền địa phương ở đâu? Ai là người chịu trách nhiệm về chuyện xe dù, bến cóc?... Đã đến lúc cơ quan chức năng thống nhất rõ với nhau để xử lý dứt điểm tình trạng này" - anh Trần Anh Hoàng, một người dân khi được hỏi đã nêu bức xúc.
Trước câu hỏi vì sao biết xe dù, bến cóc nhưng vẫn chọn đi, hầu hết hành khách cho rằng do việc di chuyển ra các bến xe vừa xa vừa bất tiện, tốn nhiều tiền và thời gian nên họ đành chấp nhận.
Cần nhiều giải pháp
ThS chính sách công Trường Fulbright, luật sư Nguyễn Duy Anh (Giám đốc Công ty Luật TNHH A+) nhìn nhận TP HCM là đô thị lớn, nhiều người nhập cư nên nhu cầu đi lại giữa thành phố với các địa phương rất lớn.
Do đó, không khó giải thích về việc người dân chọn hình thức di chuyển tiện nhất và đây là một trong những lý do để xe dù, bến cóc lộng hành. Để giải quyết điều này, bên cạnh sự quyết liệt thì cần những tính toán hợp lý.
Để xử lý dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc, theo luật sư Duy Anh, điều cốt lõi là việc quy hoạch bến bãi cần phù hợp với nhu cầu của người dân, kết hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức của họ cùng các hãng xe. Trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền là thiết kế, ban hành và thực thi chính sách về bến bãi đỗ xe một cách hợp lý nhất.
KTS Trương Nam Thuận (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh) cho rằng một trong những điều cần xem xét kỹ lưỡng là sự thiếu đồng bộ và khoa học trong việc bố trí giao thông tĩnh, bao gồm các bãi đỗ xe công cộng, bến xe khách, khu vực dành riêng dừng đỗ phương tiện.
Để giải bài toán này, TP HCM cần sớm lập kế hoạch phát triển giao thông tĩnh, bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của mạng lưới giao thông hiện nay và trong tương lai. Tận dụng các khu vực công viên, quảng trường cây xanh lớn với diện tích bề mặt và không gian ngầm rộng rãi để xây dựng bến bãi xe ngầm cũng là một giải pháp. Theo KTS Trương Nam Thuận, điều này không chỉ giúp giảm tải cho hạ tầng giao thông trên mặt đất mà còn tạo điều kiện linh hoạt cho việc trung chuyển, đáp ứng hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân.
Chấn chỉnh sự lộn xộn
Thống kê của Thanh tra Sở GTVT TP HCM hồi tháng 4-2024 cho thấy thành phố có 87 điểm ô tô đón trả khách không đúng quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10-2023…
Để chấn chỉnh sự lộn xộn của hoạt động vận tải và nâng cao ý thức người dân, mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM đã ký văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô, tăng cường xử lý vi phạm.
Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu không để xảy ra đón trả khách sai quy định ở trạm xăng dầu, đặc biệt là dọc Quốc lộ 13, TP Thủ Đức. Khi phát hiện phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông, người dân có thể phản ánh qua đường dây nóng 1022.
Theo đó, Ban An toàn giao thông TP HCM được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Công an TP HCM có nhiệm vụ tiếp tục tổng kiểm soát xe khách, ô tô tải, xe container vận chuyển hàng hóa; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử nghiêm xe dù, bến cóc, xe chở quá số người quy định, vi phạm điều kiện kinh doanh...; siết chặt xử lý đối với xe khách chạy quá tốc độ, xe tải chở quá tải, dừng đỗ trái phép.
UBND TP Thủ Đức cùng các quận, huyện được giao chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý dứt điểm bãi trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm có tổ chức đón trả khách không đúng quy định. Từ đó, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách được ổn định, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hành khách đi lại thuận lợi, an toàn.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)