Thời gian qua đi khiến cho sân khấu có nhiều thay đổi, nhưng với khán giả mộ điệu nghệ thuật cải lương không thể nào quên được những tình tiết trong vở "Bên cầu dệt lụa", vở đi vào lòng khán giả và được xếp vào vị trí kịch bản kinh điển do cố soạn giả Thế Châu sáng tác.
Khi tái dựng vở này, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu mong muốn có một thế hệ nghệ sĩ đủ lực kế thừa vai diễn của người đi trước, và vở diễn phần nào đáp ứng điều mong mỏi, dù có vài diễn viên chưa hợp vai.
Điều đáng ghi nhận đầu tiên trong lần tái diễn này là sự nỗ lực của cặp đào kép chánh, đó là Nguyễn Văn Khởi (vai Trần Minh) và Kim Luận (vai Quỳnh Nga).
Cả hai đã có sự kết hợp ăn ý, dựa theo những sáng tạo của các nghệ sĩ đi trước, nhất là kịch bản văn học đầy chất thơ, mang ý nghĩa sâu sắc trong từng lời ca, câu thoại. Đặc biệt, nhiều khán giả cho rằng khi xem Nguyễn Văn Khởi diễn vai Trần Minh, họ nhớ đến nét diễn chân chất, mộc mạc nhưng đầy cảm xúc của cố NSƯT Thanh Sang.
"Khi nhận vai diễn này tôi rất áp lực, vì Trần Minh là vai mà công chúng nhớ, biết rõ tính cách, có người còn thuộc cả lời ca của nhân vật. Tôi đã cố gắng để hoàn thành vai diễn và gửi vào đó sự nồng nhiệt, kính trọng của thế hệ trẻ hôm nay đối với một tác phẩm kinh điển" – Nghệ sĩ Nguyễn Văn Khởi nói.
Nguyên tác vở "Bên cầu dệt lụa" dựa trên tích truyện "Trần Minh khố chuối" trong truyện cổ dân gian Việt Nam. Thập niên 1960, soạn giả Thanh Cao đã sáng tác một vở tuồng được biểu diễn trên sân khấu Tiếng Chuông. Sau đó, hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng cũng viết thành kịch bản "Quán gấm đầu làng", được hát trên sân khấu Bích Sơn - Ngọc An.
Tuy nhiên, đến khi kịch bản của Thế Châu ra đời năm 1976-1977 trên sân khấu đoàn Thanh Minh - Thanh Nga của bà bầu Thơ, thì giới chuyên môn và khán giả đều đánh giá cao.
"Văn chương của vở viết rất mộc mạc, chân tình, đề cao lòng hiếu thảo, tình bằng hữu, nghĩa thủy chung, mà cao quý nhất là không tham giàu sang, danh tước, phụ bỏ tình yêu và cuộc sống nghèo nàn của quá khứ. Vở diễn vì thế sống mãi trong lòng công chúng và không bao giờ lạc hậu" – NSND Thoại Miêu đã nói về tác phẩm "Bên cầu dệt lụa".
Trong vở còn có nhiều lớp diễn hay, tôn vinh tính cách và đạo đức của nhân vật Trần Minh, đó là lớp diễn tái ngộ Nhuận Điền (Võ Thành Phê diễn) trong lớp áo cơ hàn dù đã đỗ đạt. Đó là lớp diễn được xem là mẫu mực bởi tính triết lý nhân sinh sâu sắc, lời ca vọng cổ giàu chất văn học cùng diễn biến tâm lý vô cùng tinh tế của đôi bạn nghèo tri kỷ.
"Điểm nổi bật của vở "Bên cầu dệt lụa" được thể hiện ở giá trị văn học, cùng việc dựng nên những hình mẫu nhân vật sống có lý tưởng, điển hình là Quỳnh Nga - đại diện cho hình tượng người phụ nữ Việt Nam chung thủy, không ỷ vào sự giàu có mà sống yếu hèn – với vai diễn này Kim Luận đã diễn tròn vai, cũng nhận được sự khen ngợi của khán giả.
Bình luận (0)