Chiều 5-9, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định có công điện khẩn chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 3 (siêu bão Yagi).
Tại công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu cấm các phương tiện ra khơi; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 6 giờ sáng mai (6-9) đến khi có tin cuối cùng về bão số 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, TP hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung toàn lực ứng phó với cơn bão số 3.
Các huyện ven biển có trách nhiệm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở không bảo đảm an toàn.
"Kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn. Trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân"- công điện chỉ rõ.
Tại công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ. Xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.
Theo báo cáo nhanh, đến chiều 5-9, toàn bộ 1.714 tàu thuyền/5.287 ngư dân; 622 lều, chòi/692 người trông coi đầm bãi ở khu vực ven biển của tỉnh Nam Định đều đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng đi của bão từ các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương để tìm nơi tránh trú.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu thực hiện kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vào nơi tránh trú an toàn hoàn thành xong trước 11 giờ trưa 6-9.
Tại tỉnh Ninh Bình, để ứng phó với siêu bão Yagi, tỉnh này đã thực hiện lệnh cấm biển từ 13 giờ chiều ngày 5-9. Đồng thời yêu cầu toàn bộ tàu thuyền, lao động vào nơi an toàn trước 15 giờ ngày 6-9.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, tối 5-9, tỉnh Ninh Bình tiếp tục ra công điện về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương... thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, công điện của tỉnh.
Công điện yêu cầu các huyện, TP thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình bão, mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Rà soát, tổ chức di dân ra khỏi vùng thấp trũng và vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn; tăng cường tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập; khẩn trương triển khai phương án chống úng bảo đảm an toàn cho lúa mùa, thủy sản, thoát nước trong các điểm, khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp khi có mưa lớn xảy ra; tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng.
Các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt chú ý đến tuyến đê biển Bình Minh 4 và các vị trí đê, kè đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản...
Theo báo cáo, Ninh Bình có 119 phương tiện/267 thuyền viên, 218 lều chòi/347 lao động phía ngoài đê Bình Minh III (huyện Kim Sơn) đã được thông báo về diễn biến và hướng di chuyển của cơn bão để có biện pháp phòng tránh.
Bình luận (0)