Hôm nay, 6-8, sau thời gian tạm dừng phiên xét xử để tổng hợp và phân tích tất cả chứng cứ, lời khai của các bị cáo và các thông tin liên quan đã được trình bày tại tòa, đại diện VKSND TP HCM sẽ đưa ra quan điểm luận tội đối với từng bị cáo và đề xuất hình phạt dựa trên các bằng chứng, cáo buộc đã được trình bày trước đó.
Phản ứng của hai cựu cục trưởng
Trong những ngày qua, HĐXX, VKSND và các luật sư đã xét hỏi đối với 247/254 bị cáo (6 bị cáo xin xét xử vắng mặt, riêng bị cáo Đỗ Trung Học bỏ trốn). Một số bị cáo tuy thừa nhận một phần trách nhiệm nhưng phủ nhận hoặc có lời khai nhằm giảm nhẹ hành vi vi phạm so với nội dung cáo trạng truy tố.
Trong vụ án này, 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là Trần Kỳ Hình (giai đoạn tháng 1-2014 đến tháng 7-2021) và Đặng Việt Hà (giai đoạn tháng 8-2021 đến tháng 12-2022) bị đưa ra xét xử với cáo buộc nhận hối lộ và lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Cả hai bị cáo bị VKSND TP HCM truy tố theo điều 354 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình đối với tội "Nhận hối lộ". Riêng bị cáo Trần Kỳ Hình còn bị truy tố theo điều 356 Bộ Luật Hình sự, với mức hình phạt từ 5-10 năm tù đối với tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong phiên xét xử, 2 cựu cục trưởng đã nêu rõ quan điểm về trách nhiệm của mình trong vụ án. Bị cáo Trần Kỳ Hình thừa nhận đã nhận 2,85 tỉ đồng và 12.000 USD, trong khi cáo trạng cáo buộc nhận hối lộ hơn 7,1 tỉ đồng.
Bị cáo Đặng Việt Hà nói chỉ nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu và thừa nhận việc nhận số tiền hối lộ hơn 8,5 tỉ đồng. Bị cáo cho rằng mình không chỉ đạo cấp dưới nhận hối lộ nên không đồng ý chịu trách nhiệm chung cho số tiền hơn 40 tỉ đồng mà các bị cáo khác trong vụ án đã nhận như VKSND cáo buộc.
Đặc biệt, bị cáo Hà cũng phủ nhận nhận định của cơ quan thực hành quyền công tố rằng ông là người đã đòi hỏi quyền lợi cao nhất và xây dựng chủ trương "ăn chia" sau khi được bổ nhiệm làm cục trưởng. Bị cáo Hà khăng khăng cho rằng trong cuộc họp giao ban, ông chỉ đề cập đến trách nhiệm của mình trong việc quản lý toàn bộ các hoạt động của cục, đặc biệt là trong vấn đề phòng chống tham nhũng. Bị cáo Hà còn nhấn mạnh ông không có bất kỳ yêu cầu hay quy định cụ thể nào về mức "hụi chết" đối với Phòng Kiểm định xe cơ giới hay giám đốc các trung tâm đăng kiểm…
Tuy nhiên, những lời khai này lại mâu thuẫn với những điều bị cáo Trần Anh Quân, cựu quyền Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới và giám đốc các trung tâm đăng kiểm đã khai trước tòa. Bị cáo Trần Anh Quân khai rằng trên tinh thần chỉ đạo "người đứng đầu phải nhận được lợi ích cao nhất" của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà lúc bấy giờ, họ đã thảo luận và quyết định nhận từ người đi kiểm định xe số tiền 400.000 đồng/hồ sơ để bỏ qua lỗi, trong đó Quân sẽ nhận 300.000 đồng/hồ sơ.
Các bị cáo là cựu giám đốc các trung tâm đăng kiểm cũng thừa nhận thực hiện chỉ đạo của ông Hà, từ tháng 4-2021, mỗi tháng họ phải bay ra Hà Nội họp giao ban với cục trưởng nhưng mục đích chính là nộp "hụi chết". Đây là khoản "chung chi" mà các trung tâm đăng kiểm dùng để đổi lấy "ưu đãi" trong công việc, tạo điều kiện cho các trung tâm này hoạt động không đúng quy định.
Xem xét số tiền nhận hối lộ
Liên quan hành vi nhận hối lộ tại các trung tâm đăng kiểm, hầu hết các bị cáo là lãnh đạo, đăng kiểm viên… thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, một số bị cáo gọi đây là "tiền bồi dưỡng", rằng họ "được cho" chứ không có yêu cầu đối với người đến đăng kiểm. Dù thừa nhận có nhận những khoản này nhưng một số bị cáo yêu cầu xem xét lại số tiền mà họ hưởng lợi, để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Họ viện dẫn trong những ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ phép và đóng cửa do dịch COVID-19, họ không làm việc nên không nhận "tiền bồi dưỡng". Các bị cáo cho rằng đây là các lý do khách quan nhưng chưa được VKSND xem xét.
Trước lời khai của các bị cáo, đại diện VKSND nhấn mạnh số liệu về những khoản tiền nhận hối lộ mà cáo trạng đã thể hiện không phải là con số tùy tiện. Theo đó, cơ quan điều tra và VKSND dựa trên thông tin đã thu thập được tại các trung tâm đăng kiểm, điển hình như số liệu về số lượng xe được kiểm định… Theo đó, các bị cáo được xác định đã nhận hối lộ hằng ngày, hằng tuần, dẫn đến tổng số tiền lớn.
VKSND cũng làm rõ rằng tất cả bị cáo đều phải chịu trách nhiệm chung về số tiền nhận hối lộ, bởi vì hành vi này được thực hiện có tổ chức và có sự phối hợp giữa các cá nhân. Đại diện VKSND dẫn chứng tại các trung tâm đăng kiểm việc nhận hối lộ từ người đến đăng kiểm phương tiện được các bị cáo phối hợp nhịp nhàng. Mỗi chuyền đã nhận tiền để bỏ qua lỗi, sau đó gộp chung và đưa cho trưởng chuyền giữ, đến cuối tuần mới chia nhau.
Tuy nhiên, VKSND cũng xác định rõ trách nhiệm cụ thể đối với từng bị cáo, dựa trên số tiền mà mỗi người được hưởng lợi riêng. Điều này bảo đảm rằng trách nhiệm hình sự được phân định một cách công bằng, phản ánh đúng mức độ tham gia và hưởng lợi của mỗi bị cáo trong vụ án. Qua đó, VKSND khẳng định tính chính xác và công bằng trong việc quy trách nhiệm hình sự và xác định số tiền nhận hối lộ của các bị cáo.
Đại diện VKSND cũng nhấn mạnh trong quá trình xét xử, nếu các bị cáo không cung cấp tài liệu hoặc chứng cứ cụ thể để chứng minh các yêu cầu của mình mà chỉ dựa trên các suy đoán hoặc đề nghị xem xét chung chung thì cơ quan thực hành quyền công tố sẽ không có căn cứ để xem xét lại các yêu cầu đó.
Tiếp tục xác minh
Truy tố các bị cáo ra trước TAND TP HCM, VKSND cùng cấp cũng đồng ý quan điểm của cơ quan công an là tách hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong đấu thầu, mua sắm thiết bị kiểm định tại cục đăng kiểm liên quan đến Công ty Việt Nét, Công ty T&E và trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị kiểm định đường thủy để tiếp tục xác minh. Nguyên nhân là do đến nay chưa có kết quả định giá các dây chuyền, thiết bị kiểm định để xác định thiệt hại.
Bình luận (0)