Sáng 2-4, TAND TP HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 85 đồng phạm, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
Trong phiên xử này, bị cáo Trương Khánh Hoàng (Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) lý giải việc lãnh đạo SCB hưởng mức lương từ 300 đến 500 triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Theo bị cáo Hoàng, những người hưởng mức lương này là xứng đáng và họ là những người có chuyên môn sâu, trình độ cao.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (nguyên Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước) đề nghị VKS xem lại việc nhận định bị cáo này có vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng cũng trình bày một số tình tiết liên quan việc ký báo cáo kết quả thanh tra lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, khẳng định trong cả hai đợt thanh tra, bị cáo Hưng đã làm tròn trách nhiệm, khi kết luận thanh tra được ra dự thảo thì có chữ ký của từng thành viên trong đoàn thanh tra. Từ trước đến nay bị cáo trong sạch, không có ý định bao che ngay cả trong suy nghĩ… Bị cáo không phạm tội tinh vi, xảo quyệt như VKS nhận định.
"Bị cáo đã thực hiện việc yêu cầu thanh tra 71 hồ sơ vay của khách hàng SCB. Tuy nhiên thời điểm đó yêu cầu bắt buộc phải ban hành kết luận thanh tra vào tháng 8-2018 nên việc thanh tra 71 hồ sơ vay này lùi lại. Rất mong HĐXX xem xét những tình tiết trong vụ án để có mức án khoan hồng"- bị cáo Hưng trình bày.
Nhiều luật sư khác khi tranh luận ghi nhận đại diện VKS đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo khi đã đối trừ giá trị tài sản bảo đảm cho dư nợ của các khoản vay, sử dụng giá trị tài sản bảo đảm của khoản vay này cho phép đối trừ dư nợ với khoản vay khác...
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) thông báo với HĐXX rằng gia đình bị cáo đã tạm nộp 61 tỉ đồng khắc phục hậu quả ngay sau khi VKS nêu quan điểm luận tội.
Bình luận (0)