Sáng 12-7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ủy ban ATGT quốc gia. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Hà Nội kiến nghị nâng gấp đôi mức phạt
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung xử lý những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như nồng độ cồn, sử dụng chất cấm, vi phạm tốc độ, quá tải, đi không đúng làn đường, phần đường…
6 tháng qua, 9 địa phương có số người tử vong do TNGT tăng trên 20% gồm: Kon Tum, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Hà Giang, Quảng Trị, Điện Biên, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre. Trong đó, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre có số người chết tăng trên 40%.
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 805 vụ tai nạn giao thông làm 339 người chết, 688 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 227 vụ (chiếm 39,27%), tăng 8 người chết (2,42%) và tăng 301 người bị thương (77,78%).
Về các nhiệm vụ trọng tâm quý III/2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thành phố sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông ở các tháng cuối năm 2024, đặc biệt tại các địa phương có tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí. Xây dựng phương án xử lý đối với 26/33 điểm ùn tắc giao thông còn lại và các điểm ùn tắc phát sinh trong năm 2024...
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tham mưu Chính phủ, nghiên cứu nâng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, như: Vi phạm nồng độ cồn, chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, chạy quá tốc độ quy định. "Với Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, tới đây thành phố sẽ trình nâng mức xử phạt hành vi vi phạm trật tự ATGT với mức được phép cao gấp đôi so với mức chung trên toàn quốc" - ông Tuấn nói.
6 tháng, hơn 5.300 người tử nạn
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết trong 6 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người. So với cùng kỳ năm 2023, số người tử vong do tai nạn giao thông giảm 10,61% nhưng số vụ tai nạn giao thông tăng 15,58% và số người bị thương tăng 34%. Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước; số vụ ùn tắc giao thông trong các dịp cao điểm cũng được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên cũng chỉ rõ 6 tồn tại trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Cụ thể, số vụ, số người bị thương cao, tăng gánh nặng cho xã hội. Số người chống người thi hành công vụ tăng gần 60% nên yêu cầu phải xây dựng thể chế để không còn xảy ra tình trạng này. Bên cạnh đó, ý thức người tham gia giao thông chưa có chuyển biến lớn. Người uống rượu bia và sử dụng ma túy điều khiển phương tiện giao thông vẫn còn. "Dù là lĩnh vực gì, chỉ cần lãnh đạo địa phương quan tâm thì lĩnh vực đó chuyển biến tốt và ngược lại. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương cần lưu ý vấn đề trên" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để 6 tháng cuối năm có kết quả tích cực hơn 6 tháng đầu năm. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm giải pháp: nâng cao ý thức người tham gia giao thông; quản lý tốt phương tiện; cải thiện cơ sở hạ tầng và quản lý cơ sở hạ tầng. Người đứng đầu các địa phương phải quan tâm hơn, quyết liệt hơn trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; phối hợp tốt hơn nữa giữa các lực lượng; chủ động trong thẩm quyền được giao như quy định mức phạt hành vi vi phạm.
"Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT, không có ngoại lệ, không có vùng cấm" - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Hoàn tất tín hiệu đường cắt ngang đường sắt
Chiều 12-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe kiến nghị của Bộ GTVT về việc kéo dài việc thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg để hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 566 đường ngang có người gác của đường sắt. Báo cáo của Bộ GTVT cho biết đến hết năm 2023, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mới hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu 382 đường ngang. Còn lại 184 đường ngang nằm ở vị trí giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, khu vực có dân cư đông đúc, mật độ phương tiện giao thông lớn cần bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, việc chậm trễ trong sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đối với 566 đường ngang có người gác từ năm 2020 đến nay là do chưa bố trí kịp thời nguồn vốn ngân sách để triển khai. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg đến hết năm 2025 để hoàn thành nốt 184 đường ngang còn lại, với tổng kinh phí dự kiến là 363 tỉ đồng.
Bình luận (0)