Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.
Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành thông tin năm 2024, nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường này vẫn ở mức cao, dự kiến khoảng từ trên 3,5 triệu đến 3,8 triệu tấn, thậm chí có thể lên tới 4 triệu tấn. Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Philippines đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ cơ hội mới ở các thị trường mới vẫn phải luôn quan tâm, bảo đảm vị thế số 1 của gạo Việt Nam tại thị trường Philippines. "Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam" - ông Thành cảnh báo.
Với thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương vụ Việt Nam tại quốc gia này, cho biết Chính phủ Indonesia đã quyết định nhập 3,6 triệu tấn gạo trong năm 2024, tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu. Do vậy, Chính phủ Indonesia sẽ sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17-1-2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). "Các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường này" - Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo.
Với thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ gạo mỗi năm lên tới 150 triệu tấn. Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết năm 2024, khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu gạo để điều tiết hài hòa giữa nhập khẩu và sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực.
Bên cạnh những cơ hội, các tham tán thương mại cũng chỉ ra một số thách thức với ngành gạo Việt Nam. Ông Phùng Văn Thành kể câu chuyện đi khảo sát hệ thống siêu thị lớn tại nước này. Tất cả gạo của Thái Lan và Nhật Bản khi đóng gói đều in dòng chữ rất to và đẹp về thương hiệu của họ; trong khi bao bì gạo của Việt Nam tìm mãi không thấy xuất xứ. "Tại sao gạo Việt Nam xuất sang Philippines rất nhiều nhưng dường như nhà nhập khẩu lại không tự tin làm nhãn mác gạo Việt to và đẹp như Nhật Bản hay Thái Lan?" - ông Thành băn khoăn.
Bà Phan Thị Nga, Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, cho biết thị trường này là cửa ngõ để phân phối hàng hóa tới các nước châu Âu. Nhưng thực tế là gạo Việt chưa tiếp cận được các chuỗi phân phối bán lẻ lớn của Hà Lan, mà chủ yếu bán ở các siêu thị Á châu. "Một số người tiêu dùng nước này phản ánh họ có mua gạo Việt Nam nhưng sau một thời gian sử dụng thấy chất lượng không ổn định, giá cao nên lại quay sang dùng gạo Thái Lan, Campuchia" - bà Nga thông tin.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của thị trường Hà Lan, bảo đảm chất lượng và duy trì độ dẻo, mùi thơm một năm; đồng thời tham gia triển lãm, hội chợ quốc tế để quảng bá hình ảnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác thông tin số liệu xuất khẩu để công tác cân đối cung cầu mặt hàng gạo của các bên có liên quan được thuận lợi hơn. Đồng thời, nghiên cứu việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số thị trường xuất khẩu tiềm năng, tận dụng tiến trình rà soát các hiệp định đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở thêm, gia tăng hạn ngạch cho Việt Nam.
Bình luận (0)