Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2024 đã đạt được những kết quả tích cực.
Tăng mạnh tại nhiều thị trường
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 2,18 triệu tấn (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái), kim ngạch gần 1,43 tỉ USD (tăng 45,5%), giá trung bình 653,9 USD/tấn. Một số loại gạo xuất khẩu được ưa chuộng trên thị trường như: Gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo Japonica…
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết gạo Việt Nam vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 46,4% tổng số lượng và 45,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta, với giá trung bình 641,7 USD/tấn. Indonesia đứng thứ 2, tăng 199,7% số lượng, 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá. Thị trường Malaysia tăng 28,8% số lượng, 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá…
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2023, 2 khu vực này chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2024, gạo Việt Nam xuất khẩu sang 2 thị trường này đã tăng đột biến, đạt hơn 181.000 tấn, trị giá 135,9 triệu USD - tăng 218,3% so với cùng kỳ năm trước; với các nước nhập khẩu chính là Pháp, Đức, Hà Lan, Mỹ, Brazil, Cuba…
Dù xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực nhưng ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho rằng vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Cụ thể, chiến lược đa dạng hóa thị trường của doanh nghiệp (DN) vẫn còn hạn chế; thị trường xuất khẩu gạo có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số nước như Philippines, Trung Quốc, Indonesia…
"Việc phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng. Ngoài ra, nhiều DN chưa chú trọng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành mua lúa gạo lên cao, gây áp lực cho DN trong khi giá chào xuất khẩu chưa tăng nhiều" - ông Sơn nhìn nhận.
Tránh việc tranh mua, tranh bán
Ông Tạ Hoàng Linh cho biết tại châu Âu, Việt Nam chỉ đứng thứ 12 trong số các nước xuất khẩu gạo vào thị trường này. Đây là thị trường tiềm năng nhưng rất khắt khe, nhất là với nông sản. Nhìn chung, đối với những nước đã có mặt ở thị trường này rất lâu và chiếm thị phần lớn như Thái Lan hay Ấn Độ, gạo Việt Nam khó cạnh tranh về giá và mẫu mã ở các phân khúc phổ thông.
Do vậy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng Việt Nam cần tập trung xuất khẩu sang 2 khu vực này ở phân khúc gạo cao cấp, các loại gạo thơm, giá trị cao, đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu (như ST24, ST25). Song song đó, phát triển các sản phẩm chế biến từ gạo như phở, bún, bánh đa… có thể sẽ mang lại hiệu quả và tiềm năng to lớn.
Theo dự báo, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay tổng lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của nước ta chỉ ước đạt 7,6 triệu tấn, giảm 0,53 triệu tấn so với năm 2023. Chưa kể, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay tại ĐBSCL diễn ra khốc liệt, có khả năng ảnh hưởng đến vụ lúa hè thu.
Dù vậy, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vẫn đánh giá thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới sẽ tiếp tục sôi động. Bởi lẽ, các thị trường truyền thống của gạo Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia hay khu vục châu Phi vẫn có nhu cầu lớn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh các hiệp hội, DN xuất khẩu gạo và các đơn vị chức năng cần bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, bình ổn thị trường trong nước. Bên cạnh đó, tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho người sản xuất - kinh doanh, bảo đảm xuất khẩu gạo bền vững. Ngoài ra, cần xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa DN với vùng trồng và người sản xuất, giữa DN với nhau để bảo đảm ổn định chất lượng lúa gạo; tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép giá.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, giá lúa gạo tăng cao rồi lại được điều chỉnh giảm. Với DN, đây là chuyện bình thường và có thể thích ứng được vì theo dõi sát thị trường. Thế nhưng, nông dân và thương lái sẽ thiệt hại rất nhiều vì họ thiếu thông tin.
Trong khi đó, ông Trần Văn Lô Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), mong muốn liên kết với nhiều DN để tiêu thụ sản phẩm nếp. Ông bày tỏ: "Hy vọng nhiều DN sẽ liên kết tiêu thụ nếp cho HTX chúng tôi nói riêng và của huyện Phú Tân nói chung vì địa phương có đến 80% diện tích là sản xuất nếp". Tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, HTX này cũng đã đăng ký 100 ha và sẽ dần mở rộng thêm.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)