Ngành gỗ là một trong những ngành ghi nhận tín hiệu phục hồi xuất khẩu tích cực. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,36 tỉ USD, bằng 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn hàng nhỏ, lợi nhuận thấp
Ông Phạm Ánh Dương, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất MDF Hải Dương, thông tin tính đến thời điểm này, đơn hàng của doanh nghiệp (DN) tăng khoảng 50% so với cùng kỳ. DN cũng đã nhận đơn hàng đến hết quý I/2025. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, do nhu cầu của thế giới vẫn thấp, người mua e ngại tồn kho nên đơn hàng của các DN trong toàn ngành bị chia nhỏ, thời gian giao gấp và đặc biệt là giá giảm.
Với ngành dệt may, đơn hàng bắt đầu phục hồi từ tháng 4-2024. Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã có đơn tới hết năm, tăng 20% -30% so với năm ngoái. Theo Chủ tịch HĐQT công ty, ông Phạm Văn Việt, căng thẳng chính trị thế giới khiến nhà mua hàng đổ về Việt Nam nhiều hơn song đơn hàng số lượng lớn lại giảm mạnh. "Trước đây, DN nhận đơn hàng lên tới 50.000 sản phẩm/mã, giờ chỉ còn 3.000 - 5.000 sản phẩm/mã. Đơn hàng nhỏ, chi phí tăng trong khi giá không đổi khiến lợi nhuận giảm" - ông Việt phản ánh.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may trong nước có lợi thế nhất định khi Bangladesh gặp khó khăn. Để biến cơ hội thành lợi thế, các DN dệt may cần chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực gắn với kiểm soát rủi ro, chuyển đổi xanh...
Ở góc nhìn khác, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - cho rằng bất ổn chính trị tại Bangladesh có tác động nhất định đến ngành dệt may Việt Nam nhưng không nhiều. Bởi vì, dệt may Bangladesh tập trung ở phân khúc trung bình và thấp với giá rẻ trong khi Việt Nam đang ở phân khúc cao hơn. "Mặc dù đơn hàng tăng nhưng ngành dệt may chưa hết khó khăn khi khách hàng đưa ra đơn giá rất thấp, một số DN lại đang thiếu lao động" - ông Hồng nêu thực tế.
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự báo từ nay tới cuối năm, nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện. Chưa kể, kế hoạch cắt giảm lãi suất của các thị trường nhập khẩu lớn hiện chưa rõ ràng, còn quốc gia xuất khẩu cạnh tranh thì dự kiến phá giá đồng tiền khoảng 15%-20% để giành lại thị phần, khiến Việt Nam gặp áp lực về đơn giá trong bối cảnh giá xuất khẩu 2 năm qua vốn đã thấp. Bên cạnh đó còn hàng loạt áp lực khác tiếp tục gia tăng như cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng... Trước tình hình này, các DN nên tập trung sản xuất mặt hàng kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, thay vì tập trung vào mặt hàng phổ thông giá rẻ.
Tăng cường hỗ trợ tín dụng
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, cho rằng giải pháp hiện nay cho DN là tiếp cận đơn hàng "vừa miếng".
Hiện nay, có nhiều đơn hàng không yêu cầu cao về mặt công nghệ, chẳng hạn đơn hàng số lượng lớn tủ lạnh nhỏ đưa vào khách sạn ở Thụy Điển, Na Uy. "Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của DN để nhận những đơn hàng này là rất thấp. Dường như DN vẫn "mơ" những đơn hàng "xa quá", "cao quá" rồi bỏ lỡ cơ hội cận kề" - bà Hương nói.
Bà Hương cũng chỉ ra thực tế nhiều DN lựa chọn việc gia công cho thương hiệu lớn, chưa tự chủ trong chuỗi cung ứng và khâu thiết kế. "Chỉ khi DN tự thiết kế, làm chủ công nghệ, phát triển nhiều sản phẩm mang thương hiệu thì mới thu về lợi nhuận cao" - bà Hương lưu ý.
Ông Nguyễn Liêm nhận định thị trường quyết định sự tồn tại của nhà máy; sản phẩm quyết định năng suất, giá trị của DN. Vì vậy, DN cần đẩy mạnh phát triển thị trường và nâng cao năng lực quản trị, từ đó phát huy hết công suất, tiềm năng của nhà máy.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT VitaJean Phạm Văn Việt kiến nghị nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị. "Công nghệ chỉ cần tụt hậu 2 năm là không thể theo kịp thế giới. Nếu biết ứng dụng công nghệ, ngồi ở Việt Nam có thể bán hàng online sang châu Âu" - ông Việt chia sẻ.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cho rằng cần chính sách điều hành tỉ giá và lãi suất linh hoạt, hiệu quả. Cụ thể, việc điều chỉnh tỉ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp trong bối cảnh lãi suất thấp ở châu Âu và Nhật Bản cùng với việc theo sát động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là rất cần thiết để bảo đảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trước tình hình đơn hàng tăng, xuất khẩu có tín hiệu phục hồi, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tài chính, ưu đãi tín dụng cho các DN, qua đó giúp DN hoàn thành các hợp đồng đã ký kết, mở rộng xuất khẩu, nhất là với các ngành dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản...
Đa dạng hóa thị trường
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - cho rằng trong bối cảnh Mỹ vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, các DN cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng khi xuất khẩu sang thị trường này. Đồng thời, luôn trong tâm thế có thể bị khởi kiện phòng vệ thương mại bởi ngành sản xuất nội địa Mỹ bất cứ lúc nào.
Cũng theo Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn. DN có thể tận dụng cơ hội này để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên vật liệu, tránh vướng các quy định liên quan thương mại của Mỹ nói riêng và các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới nói chung.
T.Linh
Bình luận (0)