Chiều 27-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).
Về đích trước 6 năm
Báo cáo kết quả của toàn ngành, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp năm 2024 gặp nhiều khó khăn, trong đó có tác động nặng nề từ cơn bão số 3. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, toàn ngành vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật có kỷ lục xuất khẩu hơn 62 tỉ USD, tăng trưởng 3,2% so với năm ngoái.
Kết quả này đã giúp ngành nông nghiệp về đích trước 6 năm so với mục tiêu đặt ra trong Đề án 174 về thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản do Chính phủ phê duyệt. Qua đó, ngành nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.
Bước sang năm 2025, toàn ngành nông nghiệp sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường, thiên tai... để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do cho hàng nông sản Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 đạt con số kỷ lục 7,2 tỉ USD và có mặt ở hơn 60 thị trường. Nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… đang chiếm thị phần hàng đầu ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2025, ông dự báo xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn do căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Vì vậy, ngành rau quả cần chú trọng đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường năng lực tuân thủ của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng lo ngại tình hình khó khăn của ngành thủy sản, 5-6 năm qua, xuất khẩu thủy sản chỉ loay hoay quanh 8-10 tỉ USD/năm. VASEP kiến nghị cần tạo động lực cho nông - ngư dân nuôi trồng và khai thác bởi nguyên liệu cho xuất khẩu và tiêu dùng nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng, hướng đến mục tiêu xuất khẩu 16 tỉ USD. "Nông - ngư dân là lực lượng lớn tham gia trong ngành nhưng không ít trong số đó vẫn còn khó khăn" - ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo VASEP cũng kiến nghị đề xuất lập chợ đấu giá để ngư dân bán được hàng với giá tốt nhất, Nhà nước truy xuất được dữ liệu. Có chiến lược xây dựng mô hình các tập đoàn/doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển - không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới do ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.
Cùng với đó, VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu; đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ chia sẻ rủi ro với nhà nông.
Phấn đấu xuất khẩu đạt 70 tỉ USD
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự xúc động và trân trọng trước những nỗ lực không ngừng của toàn ngành trong năm 2024.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể" của ngành NN-PTNT, trong bối cảnh đầy khó khăn bởi thiên tai. Thị trường biến động nhưng ngành nông nghiệp vẫn vượt lên, bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu tăng trưởng cao.
Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi, vui mừng của ngành, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém như việc sớm tháo gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản; xây dựng thương hiệu nông sản chưa như kỳ vọng. "Nói tới cà phê, người tiêu dùng thế giới hay nghĩ ngay tới Brazil, vậy liệu đã nghĩ tới cà phê Việt Nam hay không? Nghĩ đến tiêu, điều, người ta đã nghĩ đến Việt Nam chưa?" - Thủ tướng nêu vấn đề. Từ đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh ngành nông nghiệp phải tập trung xây dựng giá trị thương hiệu, phát triển thị trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, mẫu mã bao bì cho sản xuất.
Năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh xác định cụm từ "tăng tốc, bứt phá". Bởi, ngành nông nghiệp nếu không tăng tốc, bứt phá sẽ bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng đề nghị tăng trưởng của ngành NN-PTNT năm 2025 cần phải đạt 3,5%-4%; xuất khẩu đạt 70 tỉ USD.
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định năm 2025 sẽ mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam với nhiều cơ hội và thách thức. Do đó, ngành NN-PTNT đã lựa chọn chủ đề 2025 là: "Thích ứng linh hoạt, khơi thông nguồn lực, tăng tốc bứt phá" - đây không chỉ thông điệp hành động mà quyết tâm của toàn ngành. "Giá trị xanh bền vững không còn xu hướng; giảm rác thải, tối ưu hóa quy trình sản xuất không còn khẩu hiệu mà hiện diện trong đời sống hằng ngày. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm tới giá cả mà còn chú trọng đến toàn bộ quy trình sản xuất và những ảnh hưởng tới môi trường" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng việc hợp lực giữa ngành NN-PTNT và ngành Tài nguyên - Môi trường là cần thiết để thích ứng kịp thời với xu hướng toàn cầu, đồng thời gắn kết hiệu quả với mục tiêu tăng trưởng bền vững. Hợp lực, đồng lòng, tất cả vì sự nỗ lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; vì sự bền vững của tài nguyên và môi trường của đất nước.
Đa dạng hóa thị trường
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết vào năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ là ngành chịu tác động đầu tiên trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, với xu hướng mới về bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số... Vì vậy, ông đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và sản phẩm trong chuỗi cung ứng nông sản, xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa sản phẩm vào các thị trường tiềm năng, bên cạnh những thị trường lớn như Trung Quốc, Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á... Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần chỉ đạo quyết liệt, tạo tư duy đột phá trong xúc tiến thị trường đối với sản phẩm Halal (cho người Hồi giáo). "Hai bộ cần phối hợp nhằm thúc đẩy đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề toàn cầu, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để thúc đẩy ngoại giao phát triển nông nghiệp bền vững" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.
Bình luận (0)