Sáng nay (19-11), Tỉnh Đoàn Phú Yên tổ chức chương trình hành quân về nguồn "Vũng Rô - Hào khí tuổi trẻ" đến Khu Di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), nhân kỷ niệm 60 năm Bến vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số (28/11/1964 - 28/11/2024).
Thể hiện lòng tri ân của thế hệ trẻ
Chương trình với sự tham gia của gần 400 đại biểu là các cựu binh Tàu không số và đại đội K60 (lực lượng bảo vệ Bến Vũng Rô), đoàn dân công Bến Vũng Rô năm xưa và các đoàn viên, thanh niên Phú Yên.
Sau khi hành quân đến Bến Vũng Rô, các đại biểu đã tiến hành dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Bến Vũng Rô; giao lưu, nói chuyện truyền thống, chủ đề "Vũng Rô - Hào khí Tuổi trẻ"; thi tìm hiểu kiến thức về lịch sử 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu không số vào Bến; tặng quà cho cựu quân nhân phục vụ Tàu Không số, Bến Vũng Rô và con em gia đình chính sách; thân nhân gia đình cán bộ, chiến sỹ hải quân, chiếu phim tài liệu về Huyền thoại Vũng Rô.
Anh Lương Minh Tùng, Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên, cho rằng đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về bản chất cách mạng, truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ, dân công đã từng tham gia lãnh đạo, bảo vệ, phục vụ Bến Vũng Rô, góp phần làm nên "con đường huyền thoại" - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
"Qua chương trình này còn thể hiện sự biết ơn, tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ, ghi nhớ công lao to lớn của các cán bộ, chiến sĩ, dân công đã lãnh đạo, bảo vệ, phục vụ bến Vũng Rô trực tiếp vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, từ các chuyến tàu không số từ Bắc vào Nam cập bến Vũng Rô phục vụ cho sự nghiệp giải phóng Phú Yên, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc" – anh Lương Minh Tùng bày tỏ.
Xúc động chuyến tàu đầu tiên về Bến Vũng Rô
Trong chương trình này, các bạn trẻ đã được nghe nhiều câu chuyện xúc động từ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, Thuyền trưởng Tàu không số C41. Ông là người đã đưa chuyến hàng đầu tiên cập Bến Vũng Rô thành công. Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại sau chuyến đi Cà Mau thắng lợi, ngày 1-11-1964, khi vừa về đến Hải Phòng, ông đã được lệnh chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Ông mừng đến run người khi biết nhiệm vụ mới lần này là đưa hàng, vũ khí về bến mới – Bến Vũng Rô – quê hương của ông.
Ngày 16-11-1964, tàu chuẩn bị xuất phát với 63 tấn hàng, vũ khí. Để bảo đảm bí mật sử dụng lâu dài bến mới này, thời gian cho phép tàu vào bến khoảng 23-24 giờ và nhất thiết phải rời bến trước 3 giờ sáng.
Sau 12 ngày trên biển, đêm 28-11-1964, tàu chuẩn bị cập bến Vũng Rô. "22 giờ, tàu vào Vũng Rô, nhưng lại không nhìn thấy ánh chớp của đèn tín hiệu của bến. Bao nhiêu giả thuyết được đặt ra: Hay là vị trí tàu bị sai lệch? Hay bến gặp sự cố? Tuy nhiên, tôi quả quyết đã vào đúng bến Vũng Rô rồi, nên thả tàu trôi nhẹ. Khi tàu đã gần bờ, tôi cho phát tín hiệu đèn pin chiếu xuống nước 3 lần, nhưng rồi vẫn không thấy tín hiệu từ bến trả lời" – Anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể lại.
Trong lúc lưới ngụy trang trên các ụ súng trên tàu được mở ra, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống, cùng với đó là chiếc xuồng ba lá được thả xuống, 3 cán bộ, chiến sĩ mang theo vũ khí bơi vào bờ tìm cách liên lạc với bến, thì bỗng phía bờ có ánh đèn pin chớp lên. Đúng là tín hiệu phát ra từ bến, cả tàu mừng rỡ, thở phào.
Tàu vào bến. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu và bến gặp nhau, ôm chồng lấy nhau, xúc động đến nghẹn lời. Tuy nhiên, không khí nhanh chóng chuyển sang lo lắng khi bến cho biết khó có thể vận chuyển hết 63 tấn hàng và vũ khí chỉ trong 3 giờ để tàu trở ra lúc 3 giờ sáng như chỉ đạo. Cuối cùng, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh quyết định cho tàu ở lại, vũ trang kỹ, tối mai bốc hàng rồi ra khơi.
Tàu được ngụy trang cây rừng kín đáo nên địch không phát hiện. Tối sau, lực lượng trên bến đã dốc toàn lực để bốc dỡ hàng nên chỉ đến 2 giờ sáng, hàng, vũ khí đã bốc dỡ xong và tàu ra khơi.
Con tàu của C41 của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh sau đó thêm 2 lần đưa hàng, vũ khí cập bến Vũng Rô thành công.
Bình luận (0)