Ngày 27-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai, Kon Tum tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 90 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của khu vực Tây Nguyên.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,3 tỉ đồng do Quỹ "Đồng hành nhà nông" – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty phân bón Việt Nhật và Công ty Dai-ichi Life Việt Nam tài trợ cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực Tây Nguyên. Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có 2 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suốt 4 năm học và 4 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.
Giao lưu tại buổi lễ, Ka Thẩm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), sinh viên năm nhất Trường đại học Kinh tế - Luật TP HCM, đã nhận được nhiều tràng vỗ tay khích lệ của cả hội trường.
Gia đình Ka Thẩm thuộc diện nghèo khó nhất huyện Bảo Lâm, cha mẹ làm thuê, vay mượn cho em đi học. Thế nhưng, nghịch cảnh ập đến khi nữ sinh viên năm nhất mắc ung thư giai đoạn 3. "Động lực lớn nhất của em để tiếp tục cố gắng là khi nhìn thấy vất vả của ba mẹ. Dù không may bị bệnh, em không nghĩ bệnh tật có thể cản bước em mà sẽ tiếp động lực cho em vượt qua nghịch cảnh" - Ka Thẩm chia sẻ.
Cùng giao lưu, nữ sinh viên Phạm Thị Nhớ - sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý Trường Đại học Đà Nẵng. Mẹ bỏ đi lúc em mới 2 tuổi, cha bạo bệnh qua đời, cô gái 18 tuổi được sự cưu mang của cô giáo chủ nhiệm và mọi người xung quanh.
"Trước khi ba mất, ba có nói con phải ở với cô Bông (cô ruột của Nhớ) thì ba mới yên tâm. Hồi trước nếu ba đi làm ít việc, không có tiền mua gạo thì cô là người mua gạo đem đến cho 2 cha con. Năm học mới ba không đủ tiền may quần áo mới thì cô là người may quần áo mới cho con đi học.
Còn cô Thảo là giáo viên chủ nhiệm nhưng em thường gọi là má. Khi em vào cấp 3, trường có học bổng nào là cô luôn nhắc em phải đăng ký. Cô coi em như con gái và em luôn coi cô là người mẹ của mình. Nếu có một điều ước, em hiện tại ước hai cô sẽ có thật nhiều sức khỏe, đợi em học thành tài em sẽ báo đáp công ơn của các cô" - sinh viên Phạm Thị Nhớ tâm sự.
Khi vào giảng đường, nữ sinh viên này một buổi đi học, thời gian còn lại sẽ đi bán bánh bột lọc kiếm tiền trang trải.
Ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, khẳng định mỗi sinh viên nhận học bổng hôm nay là một hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng là một ý chí vươn lên rất đáng trân trọng. Tấm gương của các bạn đã làm lay động biết bao nhiêu tấm lòng, và cũng tiếp thêm sức mạnh, cảm hứng cho nhiều người khác.
Chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ ra đời từ năm 2003 với 27 suất học bổng được trao lần đầu tiên. Đến năm 2023, chương trình đã trao cho 24.597 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 219 tỉ đồng.
Bình luận (0)