Liên quan dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, ngày 21-11, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, cho biết đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Y tế xem xét lại quy định bắt buộc bổ sung i-ốt đối với sản xuất nước mắm truyền thống và đưa tác động đối với ngành nước mắm truyền thống vào danh mục đánh giá tác động chính thức.
Theo văn bản, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước mắm truyền thống từ cá biển tự nhiên đã có hàm lượng i-ốt đáng kể nhờ vào nguồn cá biển. Từ đó, đại diện Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc đặt nhiều câu hỏi với Bộ Y tế như sau:
"Vậy liệu có thực sự cần thiết bổ sung thêm i-ốt vào muối, trong khi điều này có thể gây thay đổi hương vị, màu sắc của sản phẩm và làm mất đi nét đặc trưng vốn có?".
"Bộ Y tế có thể giải thích vì sao cần phải bổ sung i-ốt vào muối dùng trong nước mắm truyền thống và nhiều loại thực phẩm khác, trong khi đã có bằng chứng khoa học từ các kết quả kiểm nghiệm này?".
"Theo quy định của các thị trường quốc tế, như Nhật Bản và Úc, nước mắm nhập khẩu phải giữ nguyên thành phần tự nhiên. Việc bổ sung i-ốt vào muối không chỉ thay đổi thành phần sản phẩm mà còn khiến nước mắm truyền thống không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Bộ Y tế đã xem xét tác động này hay chưa?".
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết cách đây 8 năm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị doanh nghiệp cung cấp bằng chứng chứng minh việc sử dụng i-ốt sẽ làm thay đổi màu sắc, mùi vị, chất lượng của sản phẩm. Nếu có bằng chứng thì sẽ kiến nghị Chính phủ loại trừ sản phẩm này trong Nghị định 09. Nhưng hơn 8 năm qua, chưa doanh nghiệp nào cung cấp bất kỳ bằng chứng gì để chứng minh quan điểm này. Gần đây, Bộ Y tế cũng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục gửi bằng chứng.
"Bộ Y tế sẵn sàng phối hợp với các hội, doanh nghiệp để tiến hành nghiên cứu thực tế tại cơ sở sản xuất có sử dụng i-ốt trong chế biến thực phẩm để làm rõ về ảnh hưởng của i-ốt đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Trường hợp có bằng chứng khoa học cho thấy việc sử dụng muối i-ốt làm thực phẩm bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng thì Bộ Y tế đề nghị Chính phủ loại trừ đối với các sản phẩm này trong nghị định" - đại diện Bộ Y tế khẳng định.
Nỗi lo của ngành thực phẩm
Mới đây, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng có văn bản gửi Bộ Y tế phản ánh quy định "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt" và "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" gây nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm.
Đó là: Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu và rủi ro không đáp ứng yêu cầu từ khách hàng quốc tế; thiếu nguồn cung muối tinh khiết không chứa i-ốt cho chế biến thực phẩm; cạnh tranh bất bình đẳng với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu không chịu sự kiểm soát về quy định bổ sung vi chất; nguy cơ sức khỏe cho người dân đã đủ hoặc thừa i-ốt, sắt, kẽm.
Hiện nay, sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm thủy sản, đã được xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia, chưa có nước nào yêu cầu "muối sử dụng trong chế biến thực phẩm phải là muối có bổ sung i-ốt".
N.Ánh
Bình luận (0)