GS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam được hình thành từ sớm nhưng nay đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về tài chính.
Theo GS Hùng, ngân sách cho y tế cơ sở không được tách riêng mà nhập chung với y tế dự phòng đã khiến các trạm y tế không có đủ nguồn thu để tự chủ tài chính. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ y tế, khiến họ khó tập trung làm việc, khi thu nhập trung bình chỉ đạt 10 triệu đồng/tháng. Thêm vào đó, vai trò của y tế tư nhân trong hệ thống y tế cơ sở vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, dẫn đến các hoạt động còn manh mún. Từ thực tế này, GS Hùng đề xuất thành lập một cơ quan quản lý độc lập cho y tế cơ sở nhằm tránh tình trạng bị hòa tan trong hệ thống y tế dự phòng, đồng thời giúp giải quyết các vấn đề tài chính và tổ chức.
TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP HCM, cũng cho rằng việc phân phối nguồn lực hiện nay còn bất cập, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, trong khi y tế cơ sở ở nông thôn lại thiếu hụt. Ông kêu gọi ngành y tế có biện pháp cụ thể để trạm y tế được tự chủ trong việc sử dụng nguồn tài chính và đề xuất củng cố mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.
BS Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết tình trạng thiếu nhân lực tại các trạm y tế cũng là một thách thức lớn. Hiện tại, số lượng trạm có 2 bác sĩ chiếm chưa đến 30%, trong khi mỗi trạm phải quản lý 70.000 - 80.000 dân với 7 - 8 nhân sự. Điều này khiến các trạm y tế gặp khó khăn trong việc thực hiện hơn 20 chương trình y tế khác nhau.
Bình luận (0)