xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Y tế Việt Nam vươn mình, hội nhập

NGỌC DUNG thực hiện

70 năm qua, ngành y tế Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc toàn diện, đột phá ấn tượng, góp phần quan trọng trong việc hội nhập nền y học thế giới

Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, về những thành tựu của ngành y tế Việt Nam qua 70 năm phát triển.

* Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, 70 năm qua, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, dần tiệm cận sự phát triển của y học thế giới. Giới chuyên môn nhận định ngành y nước ta đã và đang có những bước đi khẳng định vị thế và uy tín?

GS-TS Trần Văn Thuấn

GS-TS Trần Văn Thuấn

- GS-TS Trần Văn Thuấn: Nhiều năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Hệ thống y tế dự phòng, mạng lưới khám chữa bệnh, ngành sản xuất và cung ứng dược phẩm cũng như BHYT không ngừng được củng cố và mở rộng. Đặc biệt, năng lực chuyên môn của đội ngũ y - bác sĩ đã có những bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mạng lưới y tế cơ sở tại Việt Nam đã được củng cố và phát triển mạnh mẽ, giúp chúng ta trở thành một trong số ít quốc gia có hệ thống khám chữa bệnh hoàn chỉnh, phủ rộng tới tận thôn, bản, bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho người dân. Hiện nay, 100% xã có trạm y tế, trong đó 99,6% có cơ sở nhà trạm, số còn lại gắn với phòng khám đa khoa khu vực.

Hệ thống khám chữa bệnh trải dài từ trung ương đến địa phương với hơn 1.500 bệnh viện, số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 34 vào năm 2024 - ngang mức trung bình thế giới (33 giường). Đội ngũ nhân lực y tế cũng có sự phát triển đáng kể, với số bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 4,1 người năm 1993 lên 14 năm 2024.

Bên cạnh hệ thống y tế công lập, khu vực y tế tư nhân cũng phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn quy mô, với 384 bệnh viện và hơn 53.000 phòng khám tư nhân trên cả nước, góp phần mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân.

Hiện nay, hơn 80% trạm y tế tuyến xã có khả năng dự phòng, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Sự hài lòng của bệnh nhân trong 5 năm qua luôn duy trì ở mức cao, trên 90%.

Cùng với đó, BHYT ngày càng được mở rộng, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Triển khai từ năm 1992, tỉ lệ bao phủ BHYT đã tăng mạnh từ 5,4% năm 1993 lên 94,2% năm 2024.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phòng chống dịch bệnh, nhất là việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán và ứng phó nhanh các tình huống y tế khẩn cấp. Nhiều dịch bệnh đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việt Nam đã thanh toán bệnh phong, loại trừ bại liệt và uốn ván sơ sinh, tạo dấu ấn quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm.

Đáng chú ý, tỉ lệ mắc HIV/AIDS trong cộng đồng được kiểm soát dưới 0,3% suốt 10 năm qua, với số ca nhiễm mới giảm bền vững. Thành công này đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới - cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ, khẳng định vị thế của ngành y tế nước ta trong công tác phòng chống HIV/AIDS trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh đó, công nghệ sinh học được ứng dụng mạnh mẽ trong nghiên cứu, phát triển và bào chế dược liệu, giúp tạo ra nhiều sản phẩm y dược có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước.

Ngành y tế đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và hỗ trợ điều trị từ xa (telemedicine) trong khám chữa bệnh, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Mô hình bệnh viện vệ tinh được mở rộng, giúp nâng cao năng lực điều trị tại cơ sở thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, khám chữa bệnh từ xa.

Hệ thống thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt được triển khai rộng rãi; chuẩn bị triển khai liên thông kết quả xét nghiệm, từng bước tiến tới mô hình bệnh viện không giấy, tối ưu hóa quy trình quản lý và nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Cơ chế tài chính y tế cũng từng bước được đổi mới, theo hướng chuyển dần chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

* Năm qua, những thành tựu và tiến bộ y khoa mà y tế Việt Nam đạt được có ý nghĩa như thế nào đối với ngành, với đất nước?

- Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu và tiến bộ y khoa quan trọng của ngành y tế Việt Nam, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của hệ thống y tế nước nhà. Những kết quả đạt được không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn góp phần củng cố năng lực y tế, thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ y học và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước hết, Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến, đặc biệt là trong ghép tạng, khẳng định bước tiến vượt bậc của nền y học nước nhà. Đến nay, 9.297 ca ghép tạng đã được thực hiện thành công với 28 bệnh viện từ trung ương đến địa phương tham gia. Những ca phức tạp như ghép phổi - một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng - đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Phổi Trung ương; ghép đa tạng tim - gan đồng thời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức... Điều đó cho thấy trình độ của đội ngũ y - bác sĩ Việt Nam đã tiệm cận các nền y tế tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh đó, các phẫu thuật nội soi 3D, 4K, robot hỗ trợ đã được ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực tiêu hóa, tiết niệu, phụ khoa..., giúp giảm xâm lấn, rút ngắn thời gian hồi phục. Trong tim mạch - thần kinh, các kỹ thuật can thiệp mạch não, mạch vành bằng robot đã giúp tăng độ chính xác trong điều trị, đồng thời giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Xạ trị kỹ thuật cao bằng hệ thống gia tốc cũng mang lại hiệu quả vượt trội trong điều trị ung thư, giúp tiêu diệt khối u mà vẫn bảo vệ tối đa mô lành.

Không dừng lại ở đó, những tiến bộ trong hỗ trợ sinh sản và can thiệp bào thai đã mang lại cơ hội cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn; giúp phát hiện sớm và điều trị dị tật bẩm sinh, bất thường của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Trong kỷ nguyên số, AI đã được ứng dụng mạnh mẽ, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị.

Những thành tựu trên đã giúp người dân tiếp cận các phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến ngay trong nước, hạn chế tình trạng ra nước ngoài chữa bệnh. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển du lịch y tế, thu hút bệnh nhân quốc tế, đưa Việt Nam từng bước khẳng định vị thế y tế trong khu vực và trên thế giới.

Điều trị kỹ thuật cao tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) Ảnh: NGỌC DUNG

Điều trị kỹ thuật cao tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) Ảnh: NGỌC DUNG

* Vậy định hướng phát triển và các giải pháp thực hiện của ngành y tế trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Năm 2025, ngành y tế Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, biến đổi khí hậu, già hóa dân số và sự xuất hiện các dịch bệnh mới, ngành y tế phải vừa nâng cao chất lượng dịch vụ vừa bảo đảm phát triển bền vững, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Ngành y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư nhằm tạo điều kiện cho hệ thống y tế phát triển bền vững. Trong đó, trọng tâm là triển khai hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật BHYT, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn thực hiện, tháo gỡ khó khăn, giúp các cơ sở y tế hoạt động ổn định.

Bên cạnh đó, chính sách giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh phù hợp với thực tế, vừa bảo đảm cân đối ngân sách vừa tăng cường khả năng tự chủ của các cơ sở y tế. Cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, rút ngắn thời gian cấp phép hoạt động và hành nghề y, tạo môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho cả khu vực công lập lẫn tư nhân.

Ngành y tế sẽ thúc đẩy các cơ chế khuyến khích nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Trong đó, áp dụng quy định mới về miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vừa được Quốc hội thông qua. Cơ chế này sẽ tạo động lực để các nhà khoa học, doanh nghiệp dược phẩm và thiết bị y tế mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, góp phần nâng cao năng lực tự chủ trong sản xuất dược phẩm, sinh phẩm và trang thiết bị y tế, hướng tới bảo đảm an ninh y tế quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của ngành y tế Việt Nam.

Để bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế ngay từ tuyến đầu, hệ thống y tế cơ sở sẽ tiếp tục được củng cố theo hướng toàn diện, bền vững. Hệ thống bác sĩ gia đình sẽ được mở rộng, giúp theo dõi sức khỏe cá nhân từ sớm, phát hiện và quản lý bệnh hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ bệnh tiến triển nặng.

Các trạm y tế xã, phường sẽ được đầu tư nâng cấp, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, tầm soát bệnh không lây nhiễm và triển khai tiêm chủng an toàn, hiệu quả. Song song đó, y tế dự phòng sẽ được tăng cường nhằm chủ động kiểm soát dịch bệnh, giám sát các yếu tố nguy cơ và phát triển hệ thống cảnh báo sớm.

Chất lượng khám chữa bệnh sẽ tiếp tục được nâng cao với trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, đổi mới quy trình khám - điều trị và lấy người bệnh làm trung tâm. Các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế… sẽ được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng điều trị tại các bệnh viện địa phương, bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại nơi sinh sống. Hợp tác công - tư sẽ được đẩy mạnh, tạo điều kiện phát triển bệnh viện tư nhân và mô hình bệnh viện quốc tế, mở rộng sự lựa chọn dịch vụ y tế cho người dân.

Ngành y tế sẽ thúc đẩy kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh mạn tính và tăng cường sức đề kháng cho người dân; tận dụng lợi thế của nguồn dược liệu và phương pháp chữa bệnh truyền thống của Việt Nam.

Chuyển đổi số tiếp tục là động lực quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ y tế. Thời gian tới, ngành y tế sẽ hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID, tiến tới tích hợp toàn bộ thông tin y tế cá nhân vào hệ thống số, giúp người dân dễ dàng quản lý sức khỏe, theo dõi lịch sử khám chữa bệnh và tiếp cận dịch vụ y tế thuận tiện hơn.

Ngành y tế tiếp tục ứng dụng AI để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị. Hệ thống liên thông dữ liệu xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện sẽ được mở rộng, giúp giảm lãng phí, tránh trùng lặp xét nghiệm không cần thiết và nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán, điều trị.

Ngành y tế sẽ tiếp tục thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất vắc-xin, dược phẩm và thiết bị y tế, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và chủ động nguồn cung.

Chính sách dân số sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng vùng, nhằm bảo đảm phát triển bền vững và cân bằng mức sinh thay thế trên cả nước.

Với những định hướng và giải pháp trên, ngành y tế Việt Nam không chỉ hướng tới cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao cho người dân mà còn từng bước trở thành trung tâm y tế hàng đầu khu vực, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ y học thế giới. 

Làm chủ nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến

Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến, được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao, thu hút không chỉ người Việt ở nước ngoài trở về quê hương chữa bệnh mà còn cả bệnh nhân quốc tế đến điều trị những ca bệnh phức tạp. Một số phương pháp chẩn đoán và điều trị đã đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến, được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận, như: phẫu thuật nội soi tuyến giáp, can thiệp tim mạch, phẫu thuật bằng robot, ghép tạng, xạ trị kỹ thuật cao trong điều trị ung thư...

Những thành tựu này không chỉ khẳng định vị thế của y học Việt Nam trên trường quốc tế mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch y tế, thu hút bệnh nhân nước ngoài đến điều trị tại Việt Nam.

Năm 2025, chương trình đào tạo y khoa sẽ tiếp tục được cải tiến, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy và thực hành lâm sàng.

Cùng với đó, ngành y tế sẽ điều chỉnh chính sách đãi ngộ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút và giữ chân đội ngũ y - bác sĩ giỏi, nhất là trong hệ thống y tế công lập, nhằm bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo