Theo đó, Thường trực Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục nghiên cứu kỹ, lựa chọn phương án phù hợp, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chỉ vận tải hành khách hay cả chở khách lẫn hàng. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu bổ sung đoạn TP HCM - Cần Thơ.
Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị trong tháng 3 tới; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Tiến độ này phù hợp với yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW là đến năm 2025 phải hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước năm 2030.
Tất cả cho thấy quyết tâm của Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, một dự án cực lớn mà tùy theo kịch bản, tổng vốn đầu tư có thể trên dưới 70 tỉ USD.
Thực tế, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã bắt đầu được nghiên cứu, khảo sát từ năm 2005. Yêu cầu về tiến độ của Bộ Chính trị là hợp lý về nhiều góc độ, trong đó GTVT phải nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, khi mà nền kinh tế nước ta đã và sẽ tăng tốc rất nhanh trong 10 năm tới. Thậm chí nhiều chuyên gia còn yêu cầu đẩy nhanh tốc độ xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt 2 tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang.
Nhìn góc độ từ việc đầu tư đường cao tốc mới thấy yêu cầu từ hạ tầng giao thông rất quan trọng để phát triển kinh tế. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua, đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km tuyến cao tốc. Để đạt mục tiêu này, ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 813.000 tỉ đồng, buộc phải đầu tư theo phân khúc phân kỳ, hy vọng đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc.
Cho đến Tết Giáp Thìn 2024, cả nước đã có 1.900 km đường cao tốc từ hiện đại cho đến chỉ có 2 làn xe đi vào hoạt động, như là một phép thử công năng của hệ thống cao tốc này, đã góp phần giải tỏa áp lực rất lớn trong giao thông đường bộ.
Đó là chỉ với 1.900 km cao tốc hiện có, nếu đến hết năm 2025, với 3.000 km cao tốc, đến năm 2030 với 5.000 km cao tốc, thì chắc chắn tình hình giao thông trên bộ mỗi dịp Tết đến sẽ được cải thiện rất lớn.
Và ví dụ, nếu đến năm 2035 hoặc năm 2040, hai tuyến đường sắt cao tốc trong tuyến Bắc - Nam là tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang đi vào hoạt động, áp lực giao thông Tết sẽ được tháo nhiều nút nghẽn. Hoặc đến năm 2045 tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tốc độ trên 300 km/giờ đưa vào hoạt động, áp lực đó hoàn toàn được giải tỏa!
Một nghiên cứu của Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ góp phần tiết kiệm thời gian đi lại cho hành khách với giá trị ước tính khoảng 2 tỉ USD; đồng thời, giảm chi phí đi lại cho xã hội khoảng 6,5 tỉ USD vào năm 2050. Nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm, tương đương 156.000 hành khách/ngày.
Một lợi ích khác, với đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hứa hẹn sẽ định hình lại bức tranh kinh tế của Việt Nam, đồng thời nâng tầm vị thế quốc gia thành trung tâm logistics chiến lược trên bản đồ khu vực, giúp cải thiện đáng kể khả năng kết nối của Việt Nam với các nước láng giềng.
Bình luận (0)