Hình như phụ nữ Việt Nam bao đời nay luôn được giáo dục và cả quán triệt mạnh mẽ chữ nhẫn khi lập gia đình nên chị cũng vậy. Là giáo viên cấp ba đàng hoàng nhưng ngày về ra mắt chị đã sốc khi mẹ chồng cao giọng: "Bao nhiêu đứa làm kinh tế tốt thích, nó chả yêu lại yêu giáo viên. Thôi, lấy giáo viên cũng được, không giàu nhưng được cái ở nhà nhiều...". Vì câu nói ấy chị đắn đo lên xuống cuộc hôn nhân ấy… Nhưng rồi chị nghĩ mình cư xử với mẹ chồng như với mẹ mình thì chắc yêu thương cũng nhận lại. Và chị mặc váy cô dâu tươi cười bên anh trong suy nghĩ giản đơn vậy.
Sau ngày cưới mẹ chồng luôn miệng: "Trước nó hứa cho mẹ cái vòng vàng mà mãi không thấy…", dù ngày cưới bà không hề có một chút gọi là quà cho con dâu, nhưng chị nghĩ đơn giản mình có vàng thì thôi bỏ ra đổi cho bà cái dây cũng được. Chồng chị hồi đó cảm động nói: "Bao giờ khá hơn anh sẽ mua lại dây cho em!". Chị ấm lòng, biết anh là một người tốt.
Cưới xong, bố chị đột ngột ốm nặng, rồi mất ở tuổi ngoài 50. Cả gia đình sốc, chị vật vã khổ đau bởi khi còn sống chị được bố cưng nhất. Nhưng làm đám xong cho bố, mẹ chồng chị lạnh lùng: "Không được về ngoại nữa, ở nhà thôi". Rồi còn "Đi khám xem, khéo mà cũng bị gan" (cha chị mất vì bệnh xơ gan). Chị như người rơi xuống vực không chỗ bấu víu. Không ngờ rằng người trong nhà lại lạnh lùng nghiệt ngã với nỗi đau của chị như vậy. Nói với chồng, anh thở dài, im lặng. Chị biết anh khó xử. Còn lòng chị khắc sâu sự nhẫn tâm của mẹ chồng.
Không ngờ rằng người trong nhà lại lạnh lùng nghiệt ngã với nỗi đau của chị như vậy.
Không dừng lại đó, chị liên tục bị tra khảo về quá khứ, hỏi còn liên lạc với người yêu không, sao lại chia tay… rồi bà quản lí chị chặt chẽ, chuyện ăn mặc bà liên tục nhắc: chỉ cần đôi bộ quần áo là đủ, có chồng rồi ăn diện làm gì. Chị nín nhịn, nghĩ thôi thì để yên nhà…Có con, bà đối xử với chị nghiệt ngã hơn nữa. Mỗi lần con trót tè ra giường bà nội, chị chịu đay nghiến cả ngày. Chồng chị thương, đôi lần góp ý mẹ, nhưng mỗi lần vậy bà bù lu bù loa rằng nó bênh vợ, chỉ muốn mẹ chết sớm… Bởi, bà luôn viện vào bệnh cao huyết áp, rằng bác sĩ dặn không được làm bà suy nghĩ…
Lạ, nói chị nhiều, chuyện gì cũng dạy, nhưng anh em, họ hàng không bao giờ bà bước chân tới. Giỗ bố mẹ, ông bà của mình lẫn chồng, bà cũng không về. Ai nói bà đều bảo bà bệnh tránh đến chỗ đám đông, dù là anh em họ hàng. Nhà chồng chị nói, bà như vậy từ thời trẻ, nhưng vì ông không nói được nên đành kệ. Và gần chục năm về làm dâu bà, chị không hề thấy bà có một người bạn, lẫn anh em ruột nào quan tâm tới… Nhưng chị nghĩ đó không là vấn đề của mình.
Chuyện chỉ lên tới đỉnh điểm khi bà liên tục kêu mất đồ... Mười mươi chị biết bà chỉ kêu cho vui mồm nhưng không biết phải làm sao. Và cứ đợi chỉ có hai mẹ con là bà chì chiết: Nhà này trước nay không bao giờ thế, vậy mà giờ hở ra là mất… Không chỉ dừng ở đó, bà luôn vào phòng chị lục tung tất cả lên. Chị sốc hơn tất cả mọi lần, khóc lóc, thề thốt. Một cô giáo đi dạy học mà mẹ chồng đổ vấy tiếng ăn trộm… Nói với anh, anh bảo mẹ có nói thế bao giờ đâu…Chị lặng lẽ xếp quần áo, nói: danh dự không thể là thứ để mất được… Anh bảo: chấp gì người già như vậy, mình cần phải nghĩ đến con.
Lại nhịn. Con trai nghịch ngợm, có lần mệt mỏi bực dọc, chị tét đít nó đôi cái, bà gào lên: Đồ mẹ độc ác, loại đánh con như cô chỉ có cho vào tù thôi… Chị quăng roi, đứng như trời trồng. Con chị nước mắt lưng tròng: Mẹ ơi, mẹ đừng đi tù… Chị ôm con, cùng khóc.
Gần bảy mươi. Bà bắt đầu lãng tai. Viện vào đó bà tiếp tục hành dâu. Bà luôn mồm phàn nàn chị láo, khinh mẹ chồng nên không chào hỏi nói năng gì.
Cho tới giờ, bạn bè, người thân đều bảo: Không hiểu sao chị lại có thể nín nhịn được chín năm trời như vậy? Chị cười buồn: Thứ nhất vì con. Thứ hai chồng cũng tốt. Thứ ba chắc kiếp trước mình ăn ở không tốt nên kiếp này mới vậy.. Rồi chị lại lạc quan: Mà riết quen, chị đỡ sốc rồi. Kệ, bà muốn nói sao thì nói. Cũng may anh em nội ngoại đều thương mình, nói mình số khổ. Vậy cũng được rồi!
Chị cười. Nụ cười của phận dâu con!
Bình luận (0)