Trong khi đó, xã hội hiện đại với nhiều điều mới đang can dự vào đời sống gia đình một cách tiêu cực, gây ra nhiều hệ lụy và những nguy cơ tan vỡ.
Hiện nay, theo thống kê, cứ 4 cặp vợ chồng tại Việt Nam thì có một trường hợp ly dị và tỉ lệ này ngày càng tăng. Ở khía cạnh khác, những hành vi tiêu cực trong giới trẻ như bạo lực, nghiện ngập, trộm cướp... ngày càng nhiều, dày kín các mặt báo hằng ngày mà một phần nguyên nhân quan trọng là đến từ gia đình.
Thị trường, công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự phát triển của công nghệ thông tin, sự bá chủ của văn hóa số trên toàn bộ đời sống xã hội đang làm thay đổi thói quen, cách nghĩ, lối sống của từng cá thể trong gia đình một cách căn bản, hậu thuẫn cho chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, làm yếu đi tính liên đới giữa các thành viên trong gia đình.
Những phương tiện thời đại như thiết bị cầm tay có mặt với các cá nhân mọi nơi mọi lúc. Chúng đi vào cả giờ ăn, giờ ngủ, giờ sinh hoạt riêng tư của các gia đình, chen vào những câu chuyện của các thành viên, làm cho thời gian vốn đã hạn hẹp của họ dành cho nhau trở nên ngắt quãng và lạt lẽo.
Cuộc sống tinh thần của con người như bị phân mảnh. Hình ảnh những người thân ngồi cạnh nhau nhưng mắt mỗi người lại dán lên màn hình, tay thao tác và dĩ nhiên lòng dạ, tâm hồn có lẽ cũng đang chìm ngập trong thế giới mạng là phổ biến.
Vì kế sinh nhai, cha mẹ phải chạy đôn chạy đáo từ sáng đến tối. Vì sức nặng của văn hóa khoa bảng ảnh hưởng từ Nho giáo và bệnh thành tích điểm số trong giáo dục, con trẻ phải học ngày học đêm, học ở trường rồi lại học thêm bên ngoài một cách vất vả, chẳng có thời gian bao nhiêu để gần gũi cha mẹ.
Các bữa cơm gia đình sum vầy có cả cha mẹ, con cái ngày càng thưa dần. Trong nhiều gia đình, hình ảnh mỗi người bưng một tô cơm ngồi trước các loại màn hình, chẳng ai nói với ai, không phải là hiếm.
Cuộc sống bận rộn và phân mảnh như vậy cuốn mọi người theo mà không có điểm dừng, đẩy các gia đình đến bờ vực tan vỡ.
Theo Kinh Thánh Cựu Ước, ngay từ thời tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã sáng tạo ra đất trời vạn vật trong vòng 6 ngày. Đến ngày thứ bảy, Thiên Chúa quyết định nghỉ ngơi và ra lệnh cho con người mà Ngài đã dựng nên cũng làm như thế.
Điều này đã tạo nên ngày Sabat trong đạo của Do Thái, ngày Chúa nhật trong Kitô giáo; tạo ra cách thức tổ chức thời gian lao động, nghỉ ngơi theo tuần trong văn minh nhân loại ngày nay.
Thượng đế đã muốn con người nghỉ ngơi ngày chủ nhật. Có lẽ Ngài biết rõ giới hạn sức lực của con người, muốn con người có những thời khắc dừng lại để thể xác tái tạo sức lực và tinh thần được làm mới, để có cơ hội nhìn lại bản thân.
Ngày chủ nhật nghỉ ngơi cũng là ngày mà vợ và chồng, cha mẹ và con cái dành thời gian để quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, hâm lại đời sống tình cảm, bảo vệ hạnh phúc gia đình, chống lại các nguy cơ đe dọa đến từ bên ngoài.
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải xem chủ nhật là ngày của gia đình, ngày nghỉ ngơi. Nhà nước nên ban hành những chính sách, điều tiết thuế sao cho các doanh nghiệp, các tổ chức giảm bớt những hoạt động vào ngày chủ nhật.
Về phía cá nhân, trong ngày này, chúng ta nên tắt nguồn tất cả thiết bị truyền thông, dừng lại mọi công việc, thoát ra khỏi thế giới mạng để có thể thực sự sống với nhau, quan tâm đến nhau nhiều hơn...
Trong khuôn khổ một nghiên cứu về giáo dục gia đình, chúng tôi đã phỏng vấn một số phụ huynh Việt và Pháp. Tôi thấy ở những gia đình nề nếp, con cái trưởng thành và thành công, thường thì các thành viên gắn kết với nhau một cách chặt chẽ, rất chú trọng đến thời gian sinh hoạt chung như các bữa ăn, các ngày lễ gia đình, trân quý những ngày cuối tuần.
Một bà mẹ Pháp kể để có tình liên đới trong gia đình, mỗi lần sinh nhật thành viên trong nhà, vợ chồng chị cố gắng tổ chức vào thời điểm cuối tuần sao cho cha mẹ và con cái đều có mặt. Chủ nhật là ngày của gia đình, mọi người thường bên cạnh nhau, cùng đi dạo, cùng chơi, cùng xem phim, cùng thảo luận, cùng nấu nướng và ăn uống. Cuối ngày, mọi người ngồi lại với nhau để cầu nguyện, để kiểm điểm lại mọi công việc trong tuần qua và vạch kế hoạch cho tuần mới.
Đây cũng là ngày cha mẹ tranh thủ để giáo dục con cái, khuyến khích động viên con trong chuyện học hành, cùng đồng hành với con trong những chương trình đang làm, giúp con giải quyết các vấn đề đang gặp phải.
Bình luận (0)