Bà xã tôi năm nay 31 tuổi. Chúng tôi cưới nhau được 6 năm, chưa có con do kinh tế gia đình chưa ổn định. Trước đây, vợ chồng tôi sinh hoạt bình thường, mỗi tuần có thể gần gũi 3-4 lần với chất lượng tốt.
Thế nhưng thời gian gần đây, bà xã tôi đột nhiên thay đổi tính tình. Cô ấy hay cáu gắt, buồn bực, ít nói, đi sớm về trễ. Đáng buồn hơn là chuyện vợ chồng cô ấy cũng lơ là. Tôi có hỏi thì cô ấy nói rằng không có hứng thú làm chuyện đó nữa.
Không biết có phải vì vậy hay không mà dù tôi đã cố gắng rất nhiều, sử dụng nhiều biện pháp để “dạo đầu, dạo đuôi” nhưng ruộng đồng vẫn khô hạn, tôi không có cách gì tác chiến được.
Tình hình càng bi đát hơn khi tôi vì thằng nhỏ quá bức xúc mà “cố đấm ăn xôi” nên bị bà xã la mắng thậm tệ, nhiều khi còn dùng vữ lực để ngăn chận. Có cách gì cải thiện ham muốn của bà xã tôi không? Cô ấy chán chồng hay là có bệnh gì? Tại sao bà xã tôi mới ngoài ba mươi mà đã hết pin như vậy trong khi tôi vẫn hừng hực sức trai?
Bạn thân mến,
Người đang bình thường, khỏe mạnh, ăn ngủ tốt tự nhiên bỏ ăn, mất ngủ, người héo queo thì đúng là... có bệnh rồi. Tuy nhiên, tìm đúng bệnh để kê đơn, bốc thuốc hoàn toàn không đơn giản. Bởi vậy mới có người được gọi là thầy thuốc giỏi, có người bị coi là... lang băm!
Đối với tình trạng của bà xã bạn cũng vậy, nếu trước đây mọi thứ vẫn bình thường, vẫn “ngon cơm” mà nay đột nhiên ẩm ương, không có hứng thú, chẳng thích mần ăn gì thì rõ ràng đã xảy ra sự cố.
Trong trường hợp này, nếu muốn, bạn có thể trở thành một thầy thuốc giỏi để bắt mạch, kê toa, chữa trị cho vợ mình bởi hơn ai hết, bạn là người kề cận, hiểu biết cô ấy một cách tận tường và có hệ thống!
Đáng lưu ý là các bạn cưới nhau đã 6 năm mà chưa có con, kinh tế gia đình chưa ổn định. Có thể bà xã bạn có nhiều lo lắng vì hiện nay cả hai vợ chồng đều đã bước vào cái tuổi “tam thập nhi lập” mà công việc chưa ổn định. Bà xã bạn cũng có thể so sánh gia cảnh của mình với bạn bè cùng trang lứa rồi mặc cảm, từ đó dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, không còn hứng thú chuyện ái ân.
Kinh nghiệm cho thấy, một khi người phụ nữ không có ham muốn, thậm chí chán ghét chuyện ái ân thì việc ai đó cố tình “làm lấy được” sẽ khiến cho họ rất bực mình. Một khi chị em bực mình thì sẽ xảy ra hai trạng thái trái ngược: cái đầu sẽ nóng, còn “chỗ kia” thì lại lạnh lẽo, giá băng. Tệ hơn, có người còn bị la mắng, dùng “vũ lực trấn áp” như cách mà bạn đã được nếm trải!
Tốt nhất là bây giờ, bạn hãy tạm thời đừng để thằng nhỏ bức xúc quá mà làm liều. Phải biết kềm nén nhu cầu, không nên để người bạn đời nghĩ rằng suốt ngày mình chẳng biết lo nghĩ chuyện gì ngoài chuyện đó!
Bạn nên quan tâm, tìm hiểu xem công việc của bà xã lúc này có gặp khó khăn gì không? Ở nơi làm việc của cô ấy có xảy ra sự cố gì không? Cô ấy có gây gổ, bất hòa với sếp hay đồng nghiệp không?...
Tóm lại, trước tiên bạn phải tìm hiểu các vấn đề liên quan đến công việc, thu nhập của vợ; nếu phát hiện có gì bất thường, khó khăn, trở ngại thì phải kịp thời chia sẻ, giúp đỡ. Thông thường, nếu được người bạn đời quan tâm, chia sẻ, an ủi động viên, chị em sẽ thấy ấm áp, vững tin; nhờ vậy có thể vượt qua những khó khăn nhất thời.
Mặt khác, bạn cũng phải chứng tỏ vai trò trụ cột trong gia đình của mình. Nếu đã ngoài ba mươi tuổi mà “kinh tế chưa ổn định” thì đó cũng là vấn đề không nhỏ. Không hiểu mức đột “không ổn định” của bạn là như thế nào nhưng nếu chính bạn đã tự đánh giá tình trạng hiện nay của mình như vậy thì càng phải tập trung giải quyết vấn đề nội tại ấy của mình.
Đành rằng chuyện gần gũi vợ chồng là cần thiết như ăn cơm, uống nước, hít thở khí trời nhưng muốn chuyện ấy tốt đẹp thì cũng cần giải quyết một số “vấn đề râu ria” như công ăn, việc làm, thu nhập, nhà cửa... Nói là “râu ria” nhưng bạn phải tập trung làm cho rốt rẻn, đừng chủ quan, ỷ lại vì người phụ nữ ngoài ba mươi rất muốn một sự ổn định, trong đó có ổn định gia đình và kinh tế.
Tóm lại, bà xã của bạn có “chán chồng” hay không thì chính bạn phải trả lời câu hỏi này. Còn có bệnh hay không thì phải khám mới biết được. Tuy nhiên, nên thiên về vấn đề tâm lý; có thể bà xã bạn đang gặp khó khăn gì đó trong công việc, cuộc sống mà bạn nên biết để chia sẻ, hỗ trợ.
Bình luận (0)