Trong căn nhà 3 gian nằm cuối con đường nhỏ ở làng Phượng Lịch, đang nằm đọc báo, nghe người cháu dâu bảo có khách đến chơi, cụ Viễn liền đứng dậy đi ra bàn uống nước tiếp chuyện chúng tôi. Dù đã 109 tuổi nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, đi lại bình thường, tính tình cởi mở, đầu óc minh mẫn.
“Để có sức khỏe thì phải vận động. Từng này tuổi rồi nhưng sáng nào tôi cũng dậy sớm tập thể dục rồi mới dùng điểm tâm. Đây là thói quyen mà tôi tự tập cho mình từ ngày còn trẻ” - cụ Viễn tiết lộ.
Nghe có khách, cụ Hai từ phía sau nhà cũng lên tham gia chuyện trò. Cụ bà 103 tuổi nhìn chồng trìu mến: “Ở với ông ấy gần 90 năm rồi nên tôi biết không kể nắng hay mưa, ngày nào cũng vậy, buổi sáng là ông ấy dậy sớm tập thể dục. Chỉ trừ hôm nào đau ốm, không thể dậy được khỏi giường thì ông ấy mới nghỉ tập”.
Cụ Viễn vào trong mang ra một tập sách báo. Không cần đeo kính, cụ đưa tờ báo cũ lên đọc sang sảng, rõ ràng. Thỉnh thoảng, cụ dừng lại giải thích cho chúng tôi nghe một số câu, từ mà theo cụ, lớp trẻ bây giờ nhiều lúc không hiểu hết ngữ nghĩa.
Vợ chồng cụ Cao Viễn và cụ Vũ Thị Hai. Ảnh: hải vũ
“Tôi mê sách báo từ nhỏ, đọc không chỉ để giải trí mà còn giúp mình có được nhiều kiến thức bổ ích, để giữ đạo làm người, sống tốt và có ích hơn” - cụ Viễn bày tỏ. Theo vợ chồng cụ, đọc sách báo ở tuổi xưa nay hiếm còn giúp tình cảm gia đình gắn bó hơn. “Có bài báo, câu chuyện nào hay, ông ấy lại gọi tôi đến, đọc lớn để cả hai cùng nghe” - cụ Hai hạnh phúc.
Cụ Viễn cho biết ngoài đọc sách báo, cụ còn có sở thích làm thơ. Thơ cụ làm chủ yếu để tặng con cháu, người thân trong những dịp cưới hỏi, lễ hội, cúng kiếng, chạp họ... Như để chứng minh, cụ lục tìm rồi đưa cho chúng tôi xem một số bài thơ mới làm. Nhìn nét chữ ngay hàng thẳng lối và đẹp, khó ai nghĩ chúng do một cụ ông đã ngoài 100 tuổi viết.
Đang thích thú nói về chuyện làm thơ, thấy người cháu ngoại là anh Nguyễn Tiến Dũng cùng vợ mới cưới đến nhà chơi, cụ Viễn liền đọc ngay một bài tặng riêng vợ chồng họ: Say sưa hai chén đầy vơi/ Mừng cho hai cháu đẹp đôi vợ chồng/ Ước sinh nam tử đầu lòng/ Nối đời kế thế, nối dòng tổ tiên/ Ước cho hai cháu thảo hiền/ Giữ nền đạo đức, khôn nền tình thâm...
Vợ chồng cụ Viễn sinh được 8 người con (3 trai, 5 gái). Vốn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo lại đông con nên thời trẻ, vợ chồng cụ phải lam lũ làm đủ thứ nghề. “Trước đây, cả làng ai cũng khổ, cảnh đói khát diễn ra hằng ngày. Nhiều con nhà không nuôi được nên phải cho con đi ở đợ. Thương con, vợ chồng tôi đi khắp nơi, làm đủ thứ nghề mong kiếm bữa cơm, bữa cháo nuôi chúng. Trời thương nên các con tôi đều khôn lớn, khỏe mạnh” - cụ Hai kể.
Đến nay, vợ chồng cụ Viễn có trên 100 người cháu, chắt. Con cháu của cụ sống hòa thuận, trong đó nhiều người thành đạt. Ngoắc một đứa trẻ đang chơi đùa trong mấy đứa tầm 5-7 tuổi là con của người con trai lớn nhà ở bên cạnh, cụ Hai ôm vào lòng âu yếm rồi bảo: “Lúc nào rảnh thì vợ chồng tôi lại phụ trông nom các cháu. Có chúng chạy ra chạy vào mới vui cửa vui nhà”. Anh Nguyễn Tiến Dũng xúc động: “Ông bà ngoại tôi sống rất tình cảm và thương yêu con cháu”.
Nghe chúng tôi tò mò về bí quyết trường thọ của vợ chồng cụ Viễn, anh Dũng khẳng định việc ăn uống hằng ngày của họ lâu nay cũng giống như bao người dân khác ở làng quê Việt Nam. Cụ Hai cho hay: “Ở quê, thức ăn chủ yếu do trồng và nuôi trong vườn, bữa nào cũng chỉ loanh quanh cơm canh và các loại rau. Giờ còn đỡ chứ trước đây, cơm nhiều lúc cũng không đủ ăn”.
Theo cụ Hai, nếu có cái đáng gọi là bí quyết sống lâu thì đó chính là lao động: “Lúc trẻ còn sức thì làm lụng nuôi con, giờ già rồi thì làm các việc lặt vặt như dọn dẹp nhà cửa, trông cháu chắt. Lao động vừa vui lại tốt cho sức khỏe. Nếu suốt ngày nằm nghỉ, không vận động thì chắc vợ chồng tôi không sống tới hôm nay”. Trong khi đó, cụ Viễn cho rằng cần có thêm cái tâm tốt, biết yêu thương, nhường nhịn nhau. “Ai sống trên đời cũng có lúc sai, lúc đúng. Đừng chấp nhặt, phải biết tha thứ. Bệnh vốn xuất từ tâm, mình sống thanh thản thì đỡ ốm đau, bệnh tật” - cụ chiêm nghiệm.
Gần 90 năm chung sống, vợ chồng cụ Viễn luôn hòa thuận, hạnh phúc, con cháu đề huề. Cuộc sống gia đình họ là niềm mơ ước của nhiều người. Chị Nguyễn Thị Quế, người ngụ cùng làng, cho biết: “Việc to, việc nhỏ của làng xóm, hai cụ đều tham gia. Hai cụ sống hiền lành, mực thước nên trong làng có đám cưới, người ta lại nhờ đến trải chiếu, chúc phúc chú rể, cô dâu với hy vọng vợ chồng sẽ hạnh phúc, yêu thương nhau”.
“Hai cụ là tấm gương mẫu mực của người cao tuổi ở địa phương” - ông Nguyễn Xuân Giáp, Chủ tịch UBND xã Diễn Hoa, tự hào.
Tổ chức Kỷ lục châu Á đã chính thức công nhận cụ Cao Viễn và cụ Vũ Thị Hai là cặp vợ chồng cao tuổi nhất châu Á.
Bình luận (0)