Anh Nguyễn Văn Th. (SN 1982) và chị Nguyễn Thị T. (SN 1986) cùng quê ở Quảng Bình, kết hôn năm 2010. Chị T. là giáo viên mầm non, còn anh Th. là lao động tự do. Sau kết hôn, anh vào TP HCM làm việc, còn vợ tiếp tục ở lại quê nhà dạy học.
Mong sớm có tiếng cười trẻ thơ, năm 2013, anh Th. về quê làm việc để vợ chồng gần nhau. Thời gian đó, cả hai đã thăm khám hiếm muộn nhiều nơi, điều trị nhiều loại thuốc nhưng mãi chưa thấy "tin vui".
Hạnh phúc đến muộn
Là giáo viên mầm non, hàng ngày chăm sóc, tiếp xúc các cháu nhỏ chị T. lại càng khát khao được làm mẹ. Những năm sau đó, hai vợ chồng đi vào Huế, rồi TP HCM thăm khám, các bác sĩ đều kết luận chồng bị tinh trùng yếu, đồng thời tư vấn điều trị bằng thuốc, bồi bổ sức khỏe để có con tự nhiên.
Đến năm 2016, tưởng chừng giấc mơ được bế bồng con yêu trở thành hiện thực khi chị T. có thai tự nhiên, nhưng chỉ đến tháng thứ 3 của thai kỳ, chị bị thai lưu.
Năm 2017, vợ chồng chị T. một lần nữa vào TP HCM thăm khám. Vẫn kết quả như lần khám trước, bác sĩ kết luận tinh trùng chồng yếu, dị dạng nhiều nên khó có thai tự nhiên. Sau đó 2 năm, chị T. có thai nhưng rồi lại bị hỏng.
Sau những năm tháng "tìm con" trong vô vọng, tháng 10- 2021, vợ chồng chị T. dành hết số tiền tích góp ra Hà Nội can thiệp, hỗ trợ sinh sản với mong muốn sớm hiện thực hóa giấc mơ được làm cha, mẹ.
Thăm khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, kết quả cho thấy anh Th. bị tinh trùng yếu và dị dạng nhiều.
Trong khi đó, theo bác sĩ nếu muốn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cần phải tìm những con tinh trùng khỏe mạnh, kết hợp với trứng của chị T. để tạo phôi đạt yêu cầu, rồi mới chuyển vào buồng tử cung.
Sau quá trình điều trị, vợ chồng chị T. đã tạo được 5 phôi tốt. Bác sĩ đã chuyển phôi, đồng thời tư vấn về chế độ dinh dưỡng, cũng như động viên hai vợ chồng để có tâm lý thoải mái nhất.
10 ngày chuyển phôi, tin vui đã đến khi chị T. test que thử thai lên "hai vạch". Hai tuần sau đi siêu âm, niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi bác sĩ thông báo, chị T. mang song thai.
Vượt qua nỗi lo lắng mất con ở 2 lần mang thai tự nhiên trước đây, quá trình thai kỳ lần này của chị T. khá thuận lợi. Cuối năm 2022, cặp song sinh là N.N.B.A và N.N.P.Q chào đời trong niềm hạnh phúc ngập tràn của gia đình.
Tinh trùng yếu là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh
Lý giải tình trạng tinh trùng yếu ở người chồng, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết cho biết trung bình mỗi lần "lâm trận" nam giới có thể xuất tới hàng trăm triệu tinh binh, chúng cùng bơi ngược lên tử cung để tìm trứng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi xét nghiệm, lượng tinh trùng có trong tinh dịch rất ít, số lượng tinh trùng khỏe mạnh chỉ chiếm 1-2%.
"Lượng tinh trùng đã ít lại bị dị tật đầu, cổ, đuôi, khả năng di động kém là những bất thường phổ biến gây vô sinh nam giới. Những con tinh trùng vốn bị yếu này, lại bị dị dạng nên thường chết yểu trong những lần "xuất quân""- bác sĩ Hưởng giải thích.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng dị dạng tinh trùng có rất nhiều, như bất thường trong quá trình sinh tinh, ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, lối sống không khoa học, thường xuyên bị stress, hút thuốc lá, nghiện rượu, bia…
Để biết tinh trùng người đàn ông có khỏe mạnh hay không cần căn cứ vào 3 yếu tố chính: Thứ nhất để có thể thụ thai tự nhiên, mật độ tinh trùng cần trên 15 triệu/ml. Về chất lượng "tinh binh" cần trên 4% lượng tinh trùng có hình dạng và cấu trúc bình thường. Thứ ba là khả năng di chuyển, bởi trong một mẫu tinh trùng khỏe mạnh, khoảng 40% số tinh trùng có khả năng tự bơi và luồn lách giỏi để tham gia hành trình đi tìm trứng. Lượng tinh trùng có khả năng di chuyển tiến tới về phía trước yêu cầu tối thiểu là 32%.
Do vậy, bác sĩ Hưởng khuyến cáo các cặp vợ chồng việc khám tiền sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân hoặc khám vô sinh, hiếm muộn sau 6 tháng quan hệ bình thường mà không có con rất quan trọng.
Bình luận (0)