Bộ Y tế cho biết Việt Nam đạt mức sinh thay thế nhưng giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó, có 9 tỉnh, TP đạt mức sinh thay thế (chiếm 19% dân số); 33 tỉnh, TP có mức sinh cao (chiếm 42% dân số) và 21 tỉnh TP có mức sinh thấp (chiếm 39% dân số).
Đông Nam bộ có mức sinh thấp nhất nước
Theo đó, vùng có mức sinh thấp gồm TP HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long hiện có mức sinh 1,8 con/phụ nữ. Đông Nam bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con.
Vùng có mức sinh thay thế gồm 9 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.
Các tỉnh, thành còn lại có mức sinh cao: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa...
Gần 20 năm qua, mức sinh ở TP HCM dao động ở mức 1,24-1,7, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (2-2,1 con). TP HCM đang là một trong những địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước.
Hiện số con trung bình của một phụ nữ TP HCM trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42. Theo các chuyên gia dân số, sinh đủ hai con trở thành "cơn khát" của ngành dân số TP HCM, thay vì nỗ lực vận động người dân "dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt" như nhiều địa phương khác.
Mới đây Sở Y tế cho biết đã có tờ trình UBND TP HCM về phê duyệt Đề án các giải pháp tăng tổng tỉ suất sinh, quản lý sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em trên địa bàn TP HCM giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Đề án có 8 mục tiêu chính, trong đó có mục tiêu thứ hai là phấn đấu thực hiện tăng tổng tỉ suất sinh nhằm giải quyết tình trạng mức sinh thấp của TP HCM.
Ưu tiên vợ chồng sinh đủ hai con mua nhà ở xã hội
Trước đó, kiến nghị gửi Bộ Y tế trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, cử tri TP HCM đề nghị có biện pháp cụ thể để nâng tỉ lệ sinh ở các vùng đô thị, không để tình trạng già hóa dân số, từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian sắp tới.
Trả lời kiến nghị này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006, tuy nhiên chưa thực sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh thấp. Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị.
Theo Bộ trưởng Lan, 21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp, chiếm gần 40% dân số cả nước; hầu hết nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Người đứng đầu ngành y tế nhận định mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 588 năm 2020 phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Trong đó, tại những địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần tập trung ưu tiên thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp nhằm vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con.
Cụ thể, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con như bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên.
Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm cũng được đưa ra như hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em...
Nói về những biện pháp can thiệp, điều chỉnh mức sinh ở vùng mức sinh thấp và đạt mức sinh thay thế, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng dẫn thông tin tại quyết định 588 năm 2020 với nội dung "từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn".
Bình luận (0)