Điểm chuẩn ngành sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có thể nói đã tạo nên một kỷ lục của ngành sư phạm khi phải đạt 29,3 mới trúng tuyển (tổ hợp khối C00). Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh phải đạt xấp xỉ 9,77 điểm/môn mới trúng tuyển.
Phổ điểm khối C nhích lên
Nhiều ngành khác cũng có mức điểm cao tương tự như sư phạm địa lý là 29,05. Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, ngành có điểm chuẩn cao nhất là quan hệ công chúng khối C00 với 29,1 điểm, thí sinh trung bình 9,7 điểm/môn mới đậu. Hai ngành khác của trường này lấy mức điểm trên 29 là Báo chí và Hàn Quốc học. Hầu hết ngành của trường ở khối C00 đều lấy trên 27 điểm. Ngay trong năm đầu tuyển sinh, ngành tâm lý học của Trường ĐH Y Hà Nội cũng có mức điểm chuẩn rất cao với 28,83 ở khối C, tương đương 9,61 điểm/môn. Như vậy, thí sinh đạt 9 điểm/môn ở tổ hợp khối C rất khó có cơ hội trúng tuyển vào các ngành hot như sư phạm, báo chí, truyền thông…
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về mức điểm chuẩn tăng cao bất ngờ năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng bộ cần có phân tích đánh giá rất kỹ mới đưa ra nguyên nhân chính xác. Theo ông, việc xét tuyển hiện nay thuận lợi, minh bạch nên những trường đào tạo tốt, những ngành học có nhu cầu nhân lực cao, các em sẽ tập trung lựa chọn nhiều. Trên bình diện cả nước hoặc một khu vực nào đó, có những ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng thí sinh tập trung lớn, đẩy điểm chuẩn cao lên, đấy cũng là lý do.
Riêng ở tổ hợp khối C, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, bộ đã có đánh giá từ đầu bởi khi so sánh phổ điểm 2 năm cho thấy phổ điểm khối C đã nhích lên. Bộ sẽ phân tích kỹ nhưng cơ bản, nếu các phương thức tuyển sinh đã bảo đảm công bằng, đề thi phân hóa rõ, việc điểm chuẩn cao không có gì bất thường.
Điều này cho thấy sự cạnh tranh giữa các ngành và các trường uy tín ngày càng rõ rệt hơn.
Trên thực tế, nếu phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 mà Bộ GD-ĐT công bố có thể dễ dàng dự đoán về tình trạng 27 điểm khối C00 vẫn trượt các ngành "hot".
Theo mức điểm thi tốt nghiệp THPT được công bố, môn ngữ văn có 1.843 thí sinh đạt mức điểm 9,75; 14.198 thí sinh có điểm số 9,5, mức điểm 9,25 có 26.758 thí sinh, mức điểm 9 có 49.254 thí sinh. Tổng số thí sinh từ 9 điểm trở lên là 92.055 thí sinh. Với tổ hợp khối C00 (văn, sử, địa), số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên là 23.343, có tới 19 thí sinh cùng đạt thủ khoa với 29,75 điểm.
Chỉ tiêu hẹp vì tuyển nhiều phương thức
Thực tế, chỉ tiêu ở khối C00 cho những ngành hot, trường hot rất hạn chế. Cụ thể, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dành 70 chỉ tiêu cho sư phạm ngữ văn, 30 chỉ tiêu cho sư phạm lịch sử, 50 chỉ tiêu cho sư phạm địa lý. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội dành 64 chỉ tiêu cho báo chí, 24 chỉ tiêu cho Hàn Quốc học, 44 chỉ tiêu cho quan hệ công chúng. Tổng chỉ tiêu của các ngành trên là 282, trong khi có tới 956 thí sinh đạt điểm 29 trở lên, cả nước có 956 thí sinh đạt. Dữ liệu này cho thấy việc thí sinh đạt 9 điểm/môn khối C00 vẫn trượt nguyện vọng 1 là không phải nghịch lý.
Một chuyên gia tuyển sinh ví von tuyển sinh đại học hiện nay không khác gì chơi game. Trong game này, thí sinh trường chuyên, thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, có học bạ xuất sắc cả 3 năm THPT được liệt vào hàng... cao thủ vì đã được các trường ĐH tuyển thẳng từ sớm. Để chiến thắng trong cuộc đua này, các thí sinh còn lại phải dùng đến "vũ khí tối tân" là bảng điểm SAT, IELTS, kỳ thi đánh giá năng lực hoặc tư duy. Những thí sinh không có điều kiện luyện thi SAT, IELTS, kỳ thi đánh giá năng lực hoặc tư duy thì phải cố gắng học thật giỏi để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trong trường hợp các trường ĐH chỉ dành chỉ tiêu ít ỏi cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì cuộc cạnh tranh vào các trường yêu thích là vô cùng khó. Thực tế là không ít thí sinh đã trượt nguyện vọng yêu thích nhất để chấp nhận nguyện vọng ít yêu thích hơn.
PGS-TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có cơ chế tuyển sinh học sinh giỏi quốc gia. Năm qua, trường tuyển hơn 300 học sinh giỏi quốc gia, trong đó có nhiều ngành khối xã hội, do đó sự cạnh tranh theo phương thức điểm thi THPT đã được đẩy lên cao.
Điểm chuẩn cao, vực chất lượng đào tạo
Về điểm chuẩn khối trường sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết năm nay số thí sinh xét tuyển vào các trường sư phạm tăng cao, cộng thêm điểm thi tốt nghiệp tăng, dẫn đến điểm chuẩn được đẩy lên một mức mới. "Điểm chuẩn vào ngành sư phạm cao là tín hiệu mừng của khối ngành này bởi điểm chuẩn cao sẽ đẩy chất lượng lên" - Thứ trưởng nói.
Bình luận (0)