Nhằm hiện thực hóa tầm nhìn, phát triển ĐHQG TP HCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, ĐHQG TP HCM đã thành lập chương trình thu hút, giữ chân và phát triển 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại đây (gọi tắt là chương trình VNU350)
Trong đợt đầu tiên, ĐHQG TP HCM tuyển dụng 65 chỉ tiêu, làm việc tại các đơn vị thành viên và trực thuộc. Sau khi đóng cổng đăng ký vào ngày 31-3 và tiến hành xét duyệt hồ sơ, ĐHQG TP HCM đã chọn được 32 hồ sơ hợp lệ.
Thông tin với phóng viên sáng 15-4, đại diện ĐHQG TP HCM cho biết Trường ĐH Bách Khoa đứng đầu với 6 hồ sơ hợp lệ; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, mỗi đơn vị có 5 hồ sơ; Khoa Y có 4 hồ sơ và Trường ĐH An Giang 3 hồ sơ. ĐHQG TP HCM cho biết sẽ thành lập hội đồng tuyển dụng và thông báo kết quả trước ngày 30-4.
Để tăng cường thu hút các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu đàn, PGS -TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết vừa ban hành chính sách ưu tiên xét duyệt các đề tài nghiên cứu có tính hợp tác quốc tế.
Cụ thể, các đề tài có sự tham gia của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu, giảng dạy tại những cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp ở nước ngoài.
PGS -TS Vũ Hải Quân nêu rõ các chủ nhiệm đề tài cần cung cấp hồ sơ minh chứng hợp tác với nhà khoa học nước ngoài, gồm: minh chứng hợp tác trong quá khứ; minh chứng về uy tín và năng lực công bố quốc tế; cam kết pháp lý về việc đồng tác giả trong các công bố quốc tế; cam kết đến Việt Nam tham gia giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh/học viên cao học tối thiểu 1 tháng đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ, có thời gian thực hiện 24 tháng.
Ngoài ra, trong năm 2024-2025, đại học này sẽ giải ngân khoảng 100 triệu USD nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới để xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe và hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, phục vụ đào tạo, nghiên cứu.
Bình luận (0)