Điều tôi quý ở Báo Người Lao Động không chỉ là sự nhanh nhạy với thời sự, mà là cách báo lắng nghe được nhịp đập lặng thầm của đời sống người lao động.
Có lần tôi từ Huế vào TP HCM, nghỉ trong một xóm nhỏ, sau giờ tan ca, những công nhân trở về với tờ báo nhàu trong tay. Tôi gặp chú Tư, một thợ điện, đọc rành rọt từng dòng về chính sách tăng lương tối thiểu trên Báo Người Lao Động, giọng chú có gì đó nửa vui nửa chờ đợi. Cũng từ tờ báo ấy, chú biết về thông tin về công nhân bị tai nạn lao động được giúp đỡ, chú nói: “Coi mà viết đơn cho nhỏ con bác Sáu, nó cũng khổ y chang vậy!”.
Mời bạn đọc cùng viết cảm tưởng về Báo Người Lao Động nhân kỷ niệm 50 năm thành lập báo (28.7.1975 - 28.7.2025) tại đây.
Tờ báo lan tỏa nhân ái – đưa tin tức không chỉ bằng chữ, mà bằng cả một niềm đau đáu vì con người. Một vụ đình công ở khu công nghiệp, một bữa ăn thiếu dinh dưỡng, một người mẹ xa quê gửi con về tận miền Trung… Tất cả đều lên báo không bằng giọng kể thô ráp, mà bằng thứ ngôn ngữ đằm sâu và đầy trắc ẩn.
Tôi từng xúc động khi đọc loạt bài về công nhân bị mất việc sau đại dịch COVID-19 - không chỉ là phản ánh khổ đau, mà còn là tiếng gọi cộng đồng cùng chia sẻ.
Tôi từng theo dõi chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” của Báo Người Lao Động và thấy hình ảnh những ngư dân ngoài đảo xa cầm cờ trên tay – như nâng niu Tổ quốc. Đó là khi tôi hiểu rằng Báo Người Lao Động đang âm thầm phụng sự đất nước.
Mời bạn đọc viết cảm tưởng về Báo Người Lao Động
Giữa thời đại thông tin như thác lũ, báo chí dễ rơi vào sự chóng vánh và vô cảm, nhưng Báo Người Lao Động vẫn giữ được cái mạch âm thầm mà bền bỉ của mình – như người bạn đồng hành lặng lẽ của những phận đời nhỏ bé.
Không quá màu mè, không ồn ào thị trường, báo chọn cách lắng nghe và đứng bên cạnh những con người yếu thế nhất. Báo Người Lao Động đã chọn phục vụ những người lao động – những người làm nên xương sống của xã hội. Và chính sự chọn lựa này làm nên bản sắc của tờ báo, làm nên sự tôn kính, làm nên tình cảm sâu xa mà bạn đọc dành cho tờ báo.
Có đến 20 năm tôi gắn bó với tờ báo này và mỗi năm, đều đặn đóng góp một bài trên báo xuân như một cánh mai vui. Trên nền giấy xuân, hơi thở văn hóa hiện lên không ồn ào, nhưng ấm nồng như chén trà đầu năm. Đó là điều làm nên vẻ đẹp riêng của báo xuân Người Lao Động – một vẻ đẹp biết nâng niu cái xưa cũ, nhưng cũng biết khơi gợi nhiều tình yêu cho mai sau. Tờ báo xuân nhắc tôi nhớ rằng: Văn hóa không phải là điều để trưng bày, mà là điều để sống. Sống trong cách ta đón Tết, giữ Tết, và viết tiếp câu chuyện của dân tộc bằng những dòng chữ tử tế, trên những trang báo mang hơi ấm con người.
Báo Tết năm nay còn đặt ra những câu hỏi lớn: Làm sao để văn hóa không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua số hóa? Làm thế nào để giáo dục trở thành một không gian nuôi dưỡng hồn dân tộc?... Tôi đã hồn nhiên tham gia cuộc thi “Tết thời số” và đã có kỷ niệm đẹp cùng báo và gia đình.
Với tôi, Người Lao Động là một tờ báo không chỉ để đọc – mà còn để tin; không chỉ để viết cùng báo, mà còn để thở cùng.
Bình luận (0)