Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết hơn 500 đại biểu từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đăng ký tham gia sự kiện. Đây là một con số ấn tượng, vượt dự kiến ban đầu, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và trách nhiệm của kiều bào đối với sự kiện này.
Mục đích hàng đầu của sự kiện lần này là tạo ra một diễn đàn với không gian mở để kiều bào trên khắp thế giới có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ ý tưởng và đóng góp càng nhiều càng tốt vào quá trình phát triển đất nước.
Rút kinh nghiệm từ 3 lần tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới trước đây (2009, 2012 và 2016), với sự đóng góp ý kiến quý báu của kiều bào, chương trình năm 2024 được tổ chức một cách bài bản, quy mô trong 3 ngày với chuỗi hoạt động gồm: 3 phiên toàn thể, 4 phiên chuyên đề với 6 chủ đề thiết thực, 2 gala dinner, Lễ ký kết văn bản hợp tác và 2 chương trình tham quan thực tế.
Bốn phiên chuyên đề của Hội nghị được thiết kế với các chủ đề quan trọng như phát triển công nghệ cao, phát huy vai trò của trí thức, doanh nhân kiều bào, đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn, quảng bá văn hóa, ngôn ngữ Việt…
Đến nay, chương trình đã nhận được 80 bài tham luận về các lĩnh vực từ đại biểu trong nước và kiều bào.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết chương trình nhận được sự quan tâm lớn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thu hút sự tham gia của nhiều ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, địa phương, doanh nghiệp… không chỉ ở vai trò đại biểu tham dự mà còn đồng hành hoặc trực tiếp cùng tham gia chủ trì các phiên Hội nghị.
Sự kiện lần này có một số trọng tâm và điểm mới đáng chú ý, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ và vai trò ngày càng quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Trước hết, trọng tâm của Hội nghị là lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của kiều bào về các vấn đề phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực.
Ban tổ chức dành nhiều thời lượng để bà con có cơ hội phát biểu, chia sẻ quan điểm, hiến kế cho sự phát triển bền vững của quê hương; đồng thời giải quyết các vấn đề cộng đồng đang đối mặt.
Một trong những điểm mới nổi bật của sự kiện lần này là, lần đầu tiên Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị nhằm thu hút sự đóng góp của trí thức và chuyên gia kiều bào cho sự phát triển của đất nước.
Diễn đàn không chỉ tập trung kết nối trí thức mà còn tạo ra một không gian mở để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo…
Một điểm mới khác, lần đầu tiên một số hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tham gia với các cơ quan trong nước chủ trì/điều hành một số phiên chuyên đề trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Điều này thể hiện vai trò chủ động, tích cực cũng như sự trưởng thành và vai trò ngày càng quan trọng của kiều bào không chỉ ở nơi họ sinh sống, mà còn đối với sự phát triển của quê hương.
"Chúng tôi tin rằng những kết quả từ Hội nghị và Diễn đàn sẽ không dừng lại ở các thảo luận mà được cụ thể hóa thành những hành động thiết thực, chương trình, dự án hợp tác giữa kiều bào và trong nước. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, đưa Việt Nam tiến bước mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới" - Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng kỳ vọng.
Bình luận (0)