Ngày 11-4, tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên, tỉnh Đồng Tháp vừa tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan về Việt Nam.

Đồng Tháp tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ được nhốt cẩn thận trong thùng trước khi thả về tự nhiên ở Trà Chim
Đây là nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT), Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA), Hiệp hội Sếu quốc tế (ICF) và Công ty TNHH Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Sáu cá thể sếu đầu đỏ khoảng 7 tháng tuổi, được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima (Thái Lan) được chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không, bao gồm 3 cá thể trống và 3 cá thể mái.
Sau khi kiểm tra tình trạng sức khỏe, sếu được chuyển về Thảo Cầm Viên Sài Gòn để thực hiện cách ly theo quy định về kiểm dịch động vật hoang dã, sau đó vận chuyển về Vườn Quốc gia Tràm Chim để tiếp tục chăm sóc và thực hiện công tác bảo tồn.
"Việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn sếu đầu đỏ" – thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay.
Theo Đề án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ do UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt, từ 2022 -2028, Đồng Tháp sẽ tiếp nhận 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan để chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Giai đoạn 2029-2032, tỉnh tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể sếu từ 6 tháng tuổi, đồng thời dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, sếu đầu đỏ được tái phát hiện ở Tràm Chim vào năm 1985. Giai đoạn từ năm 1988-1999 xuất hiện trung bình 550 con mỗi năm, thậm chí năm 1988 ghi nhận có tới 1.058 cá thể.

Sếu đầu đỏ. Ảnh: Tràm Chim
Đây là giai đoạn Tràm Chim xuất hiện nhiều sếu đầu đỏ nhất trong khu vực hạ lưu sông Mekong.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, số lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim càng lúc càng giảm. Theo đó, từ năm 2000 đến 2012, trung bình mỗi năm xuất hiện 103 con; giai đoạn 2013-2020, trung bình 13 con mỗi năm.
Đặc biệt, đến năm 2021 chỉ thấy 3 cá thể sếu và năm 2022 thì không ghi nhận cá thể sếu nào xuất hiện tại Tràm Chim.
Bình luận (0)