Đón mùa xuân Độc lập đầu tiên (1946), người dân trên mọi miền Tổ quốc lần đầu được đọc lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Quốc gia của nhân sĩ yêu nước tại thủ đô Hà Nội:
"Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,
Cả nước vui chung phúc cộng hòa".
Cuối năm ấy, ngày 19-12-1946, đất nước độc lập, tự do, dân chủ cộng hòa Việt Nam buộc phải bước vào cuộc kháng chiến với ý chí quyết tâm "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Từ đó, cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, đã từng bước phát triển. Chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tiến hành theo cách thức kết hợp chính trị với vũ trang, trên tất cả các mặt trận quân sự, kinh tế, văn hóa, vừa đánh địch vừa xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; càng đánh, càng mạnh, càng thắng…
Trong khi chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương từ năm 1950 phải có sự can thiệp của Mỹ nhưng vẫn không thể giành thắng lợi quân sự cho cuộc xâm lược này. Sự lệ thuộc của Pháp đối với Mỹ về chiến phí, nhất là từ khi họ triển khai kế hoạch Na-va (1953-1954), đã biến Pháp trở thành người đánh thuê cho Mỹ không hơn không kém; và như thế việc kết thúc chiến tranh, nhất là từ sau khi thất thủ ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), Pháp cũng không thể tự chủ được nữa.
Đầu năm 1954, Hội nghị quốc tế ở Genève (Thụy Sĩ) được triệu tập, nhằm giải quyết các cuộc chiến tranh nóng trong thời kỳ đầu của thế giới bước vào chiến tranh lạnh. Đây cũng chính là sự xuất hiện giải pháp mới - giải pháp đàm phán hòa bình, một cơ hội chấm dứt chiến tranh cho các dân tộc đã và đang đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập.
Thắng lợi của quân và dân Việt Nam tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất quan trọng: không chỉ là bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến mà còn là "cứu cánh" cho Hội nghị Genève thực hiện đúng với dự kiến ban đầu bàn về vấn đề khôi phục hòa bình tại bán đảo Triều Tiên và Đông Dương. Việt Nam tham gia Hội nghị Genève vào lúc "Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành" (thơ Tố Hữu, "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên"); phái đoàn Việt Nam tại Genève đấu tranh cho "Tổ quốc chúng tôi; Muốn độc lập hòa bình trở lại; Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái", góp phần trực tiếp vào việc ký Hiệp định hòa bình đêm 20 rạng ngày 21-7-1954.
Văn bản Hiệp định Genève tập trung vào việc đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định "Một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định rõ, để lực lượng của hai bên, sau khi rút lui, sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy" (Điều 1), "Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển" (Điều 4). Hiệp định yêu cầu "sự đình chỉ chiến sự phải đồng thời trên toàn cõi Việt-nam, tại tất cả các chiến trường và cho tất cả mọi lực lượng của hai bên" (Điều 11); kể từ ngày hiệp định này có hiệu lực "cấm không được lập một căn cứ quân sự ngoại quốc nào trong vùng tập hợp của đôi bên; hai bên cam đoan rằng vùng thuộc về họ không gia nhập một liên minh quân sự nào và không bị sử dụng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược" (Điều 19). Hiệp định ghi rõ "Những người ký hiệp định này và những người kế tiếp nhiệm vụ của họ sẽ có nhiệm vụ bảo đảm sự tôn trọng việc thực hiện các điều khoản của hiệp định này" (Điều 27).
Lật lại trang sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có ghi: Báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận, số 120 đầu xuân, đăng Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán năm Giáp Ngọ (1954). Người viết: "Hôm nay ngày Tết, các chú lại đang xung phong chiến đấu gian khổ, thi đua giết giặc… Bác mong các chú nêu cao quyết tâm, chiến đấu bền bỉ, thu nhiều thắng lợi hơn nữa, làm cho mùa xuân năm nay thành mùa Xuân đại thắng lợi".
Quả nhiên, chưa đầy 100 ngày sau đó, quân dân Việt Nam lập nên sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu". Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư khen bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc về chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ, đã nhắc nhở "Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình". Và 2 tháng rưỡi sau Điện Biên Phủ, Pháp phải ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh báo tin cho đồng bào toàn quốc và toàn thể quân đội và cán bộ "Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to". Người kêu gọi: "Vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc mà 8, 9 năm nay, nhân dân, quân đội, cán bộ và Chính phủ ta đoàn kết chặt chẽ, trên dưới một lòng, chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết kháng chiến và đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang (…). Từ nay, chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc".
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong Báo cáo trước Quốc hội khóa I kỳ họp thứ 4 (ngày 20-3-1955), khẳng định Hiệp định Genève là một thắng lợi to lớn vì nó "đã đập tan âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ và thực dân hiếu chiến Pháp (…); đã kết thúc ách thống trị của thực dân Pháp ở miền Bắc, làm cho nhân dân miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tạo nên những điều kiện thuận lợi cho công cuộc kiến thiết hòa bình nước Việt Nam sau này. Đồng thời đặt một cơ sở để tiến lên một bước thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ trong toàn quốc".
Diễn biến sau đó đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo "Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ". Hơn 20 năm đấu tranh chống các thế lực phá hoại Hiệp định Genève, đánh bại các chiến lược chiến tranh thực dân mới, gạt bỏ những cản trở trên con đường hòa bình - thống nhất - độc lập và dân chủ; thực hiện "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", đến mùa xuân 1975 "Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!". Sau đó là tiếp nối những mùa xuân hòa bình và thống nhất, xây dựng, phát triển và hội nhập, bảo vệ nền độc lập và dân chủ Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Còn nhớ, mùa xuân Nhâm Thìn (1952), Bác Hồ đặt ra tiền lệ "Mấy câu thành thật nôm na; Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân". Năm ấy, Người đoan chắc cuộc kháng chiến:
"Trường kỳ và gian khổ;
Chắc thắng trăm phần trăm".
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mùa Xuân Giáp Thìn (1964) Bác Hồ có "Mấy lời thân ái nôm na; Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân" để cổ vũ toàn dân:
"Bắc Nam như cội với cành;
Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.
Rồi đây thống nhất thành công;
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà".
Mùa xuân Giáp Thìn này (2024), đất nước có cả "cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế" lớn mạnh hơn bao giờ hết. Nhớ về Hiệp định Genève 70 năm trước, càng tự hào về hành trình củng cố vững chắc nền "hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ" của Tổ quốc thân yêu.
Xuân Giáp Thìn 2024
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!