Bà Nguyễn Thị Ngoan (thôn Dương Quang, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết gia đình bà trồng 6 sào củ sắn (500m2/sào) với sản lượng ước tính khoảng 16 tấn. Bỏ ra chi phí hàng chục triệu đồng để đầu tư, chưa tính công nhưng đến thời điểm này, bà chỉ mới bán được vài tạ, số sắn còn lại đã đến ngày thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua.
"Năm ngoái, sắn được thu mua với giá 6.000-7.000 đồng/kg. Năm nay, thương lái chỉ mua một số lượng rất ít với giá đồng 1.500-1.600 đồng/kg. Còn nếu họ lựa những củ đẹp nhất, mua với giá chỉ 1.800 đồng/kg. Giá này có bán ra cũng chưa đủ công. Chúng tôi ngóng thương lái từng ngày nhưng chẳng ai đến mua. Nhiều người phải cho gia súc ăn hoặc nhổ bỏ lấy đất canh tác" - bà Ngoan nói.
Tại gia đình ông Nguyễn Sáu, thôn Dương Quang, xã Đức Thắng sau nhiều ngày chờ đợi không có thương lái đến thu mua, ông phải chấp nhận thuê người nhổ bỏ ruộng sắn, đào hố chôn.
"Củ sắn nhiều quá nên chẳng biết làm gì cho hết. Cho gia súc ăn không được bao nhiêu. Bỏ sắn ra đất thì mọc mầm, mọc lung tung lại mất công dọn nên tôi phải đào hố sâu để chôn. Bán không được giờ còn tốn công tiêu hủy", ông Sáu nói.
Theo ông Sáu, riêng với 8 sào đất trồng sắn, năm nay gia đình ông lỗ hơn 40 triệu đồng, chưa kể tốn công chăm sóc. Nếu so với mọi năm, ông kiếm được 40-50 triệu đồng, riêng năm nay mất trắng.
Ông Nguyễn Tấn Việt, Chủ tịch UBND xã Đức Thắng, cho biết củ sắn là cây trồng truyền thống ở địa phương với khoảng 300 hộ dân trồng sắn. Năm nay sắn được mùa với khoảng 1.300 tấn.
Các năm trước, củ sắn được tiêu thụ hết vì nhiều vùng trồng rau củ khác thường bị ngập úng. Tuy nhiên, năm nay mưa lũ ít, lượng rau củ các nơi khác cung ứng ra thị trường nhiều nên củ sắn ở địa phương ít người mua.
"Để giải quyết khó khăn trước mắt cho nông dân, xã đã nhờ Hội Nông dân tỉnh kêu gọi, bán giúp 300 tấn, người dân bán lẻ khoảng 100 tấn, còn 900 tấn vẫn tồn ứ" - ông Việt nói.
Bình luận (0)