xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ai cũng có một quê hương

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Khi nhỏ, ta ít để ý đến hai chữ quê hương, vì nó đã có sẵn trên mỗi bước chân, trong từng hơi thở, rất tự nhiên. Phải khi lớn lên, vì hoàn cảnh cụ thể nào đó phải rời đi, ý thức về quê hương mới trỗi dậy trong ta

Một lần, tôi đưa anh bạn về quê mình chơi. Chúng tôi ngủ lại trong ngôi nhà tôi vừa làm xong ở làng. Khuya anh thức giấc, ra mở cửa và dường như đã hít đầy lồng ngực khí trời trong lành đầu mùa xuân. Khi trở vào, anh buông một câu bất ngờ: "Tôi không có quê ông ơi!".

Ai cũng có một quê hương- Ảnh 1.

Quê hương là nơi có mồ mả tổ tiên, ông bà; có bà con dòng tộc đã và đang tá túc, làm ăn

Ám ảnh, đau đớn

Anh bạn tôi có quê mẹ ở Nam Trung Bộ. Bà kết duyên với cha anh, quê ngoài Khu IV thời chiến tranh, và sinh anh ra ở đó.

Cha anh vốn là bộ đội, không liên lạc được với gia đình và đã hy sinh trong chiến tranh. Sau khi đất nước hòa bình, mẹ anh làm kế toán một quỹ tiết kiệm ở ngân hàng. Ngân hàng ấy mở một chi nhánh ở Đà Nẵng và cần người, lại có sẵn nhà tập thể nên mẹ anh nhận lời và đưa các con vào.

Hơn 40 năm, anh cảm giác vẫn không thể nào là người Đà Nẵng. Gia đình bên ngoại, bên nội đều không liên lạc gì nên anh luôn có một nỗi ám ảnh xen với đau đớn là mình chẳng có quê.

Theo tôi về làng, anh dạo chơi quanh xóm, gặp gỡ những người bà con họ hàng của tôi, nghe họ chuyện trò về làng mạc, về công việc đồng áng, về thời tiết lẫn chạp giỗ hằng năm. Dường như nghe những câu chuyện như vậy, trong anh lại thức dậy mối bận tâm về thân phận "thiếu quê hương" của mình.

"Tôi không có quê ông ơi!". Câu nói nghe ngậm ngùi quá! Đêm đó, anh ngồi hút thuốc một mình cho đến khi trời sáng tỏ, lúc đứa em dâu của tôi mang vào hai ly cà phê đen đặt trên chiếc bàn bằng tre.

Anh ngồi với ly cà phê, đối diện tôi qua chiếc bàn đặt trước hàng hiên ngôi nhà. Anh lại kể không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước, hễ có ai rủ "về quê" là anh nhận lời đi ngay một cách bồn chồn. Sau đó, anh lại rơi vào nỗi ngậm ngùi mình chẳng có quê… như đêm hôm qua.

Tôi kể với anh, tôi cũng suýt chẳng còn quê nếu cuộc chiến tranh vẫn dằng dai mãi sau năm 1975. Nhờ chiến tranh kết thúc nên tôi cũng chỉ mất hơn chục năm tản cư ra thành phố, rồi lại theo cha mẹ về làng lo tu sửa mồ mả ông bà, kết nối lại gia tộc và xây dựng lại ngôi từ đường đã đổ nát vì bom đạn. Làng tôi chỉ cách thành phố vài mươi cây số nên việc đi lại khá thuận lợi.

Khi mẹ tôi qua đời thì bà được đưa về làng. Bà con nội ngoại chung tay giúp đỡ cho mẹ tôi có mồ yên mả đẹp. Rồi tôi mua được khoảnh đất này để làm ngôi nhà nhỏ cho anh chị em, con cháu về viếng mộ ông bà có chỗ dừng chân, nghỉ ngơi riêng biệt.

Từ đó, ngôi nhà này còn là chỗ để bà con họ hàng bên nội lui tới thờ cúng ông bà chung, vì cha tôi là trưởng nam của một chi trong tộc. Tôi nói với anh bạn: "Tất cả bạn bè tôi, trong đó có anh, ai thích thì cuối tuần có thể đến đây, coi như là điểm hẹn".

Tôi thấy anh rơm rớm nước mắt. "Chắc lúc nghỉ hưu, thế nào tôi cũng sẽ cùng mẹ tìm về quê bà, tìm lại bà con bên ngoại, coi như là tìm lại quê hương và để có một làng quê như ông" - anh tư lự.

Ai cũng có một quê hương- Ảnh 2.

Hầu như các làng quê Việt Nam đều có nhà thờ của các tộc họ. Trong ảnh: Nhà thờ họ Trương ở làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Bật dậy nỗi hoài vọng

Quê hương là một khái niệm tương đối trong nghĩa rộng, song dường như khá cụ thể với mỗi người. Đó là nơi có mồ mả tổ tiên, ông bà; có bà con dòng tộc vài mươi đời qua đã và đang tá túc, làm ăn.

Nơi ấy cũng là chốn làng quê mà cuống rốn ta đã được chôn bên bụi tre, gốc chuối nào đó trong vườn. Nơi đó có những kỷ niệm của một thời ấu thơ vô tư lự, ta cùng bạn bè nô giỡn trên con đường làng, bơi lội trên bến sông, tát cá trên mương nước ngoài cánh đồng.

Nơi đó cũng có thể là hình ảnh một cô bé mà ta từng thinh thích thời mới lớn, với mớ tóc cột đuôi gà; từng cùng nhau đi chăn trâu, cùng nhau cắp sách đến ngôi trường làng…

Khi nhỏ, ta ít để ý đến hai chữ quê hương, vì nó đã có sẵn trên mỗi bước chân, trong từng hơi thở, rất tự nhiên. Phải khi lớn lên, vì hoàn cảnh cụ thể nào đó phải rời đi, ý thức về quê hương mới trỗi dậy, có khi cồn cào, cuồn cuộn trong nỗi nhớ, trong ý thức của mỗi người, từ cảm giác mơ hồ đến xốn xang mãnh liệt.

Ai cũng có một quê hương- Ảnh 3.

Ngày giỗ chạp hay đầu xuân mới, con cháu lại tụ tập về dưới mái nhà thờ tộc họ

Quê hương lại càng rõ rệt hơn khi ta lớn lên, đọc được một cuốn sách, nghe một bài hát hoặc những dòng thơ của ai đó. Văn chương len lỏi vào tâm hồn, làm bật dậy nỗi hoài vọng về những kỷ niệm của người, của đất, của mùa màng và của cả giọng nói thân quen từ ai đó mà ta gặp, nghe bất chợt…

Tôi may mắn được những cụ già trong làng, trong tộc họ chỉ cho nhiều sách vở cũ, nhiều cổ tích của ông cha các đời trước và của làng. Nhờ đó, tôi tự "đào bới", truy nguyên ra những gốc gác 400 - 500 năm trước.

Chẳng hạn, trước khi các ngài tiền hiền đến, nơi đây là đất đai mà người Chăm từng cư ngụ. Họ đã để lại hàng chục di tích tín ngưỡng mà sau đó cũng là nơi thờ tự của người Đại Việt từ thế kỷ XVI.

Tôi biết được cây thuốc lá quê mình là từ làng Hoa Viên cố xứ bên tả ngạn sông Lam đưa vào. Tôi biết thêm 7 ngài tiền hiền trong làng đã đến đây từ các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh và cả Hải Dương ở miền Bắc; biết những đình, chùa thuở ông cha lập ra sau khi ổn định làng mạc…

Tôi đã lang thang hàng chục năm ra vùng tả ngạn sông Lam, đi tìm gốc gác. Tôi tìm ra giống cây thuốc lá Ba Viên ở vùng Hưng Khánh bên cạnh đền Bạch Đế và nhà thờ các vua Lê. Tôi nghiệm ra rằng tổ tiên mình vốn cư ngụ bên những cánh đồng lúa ven dòng sông Lam nên khi vào Quảng Nam, họ tụ cư bên một phụ lưu sông Thu Bồn để nên chợ nên làng, giữ lại nếp sinh hoạt của một nền văn minh lúa nước.

Thú vị hơn, khi đến thăm những ngôi đình cổ như Trung Cần, Hoành Sơn dọc sông Lam hay vào những nhà thờ tộc tại các huyện Đô Lương, Đức Thọ, Diễn Châu xứ Nghệ, tôi nhận thấy việc thờ tự giống hệt ở Quảng Nam. Cả bình đồ những ngôi nhà cổ mà Piere Gourou mô tả từ đầu thế kỷ XX cũng ít có sự khác biệt ở Nghệ An lẫn Quảng Nam.

Ai cũng có một quê hương- Ảnh 4.

Con cháu kính cẩn dâng hương tưởng nhớ, tri ân trước bàn thờ tộc họ

Như chưa hề có cuộc phân ly

Trong tộc họ tôi, cách đây 200 năm xảy ra một biến cố khiến gia đình cụ tổ đời thứ 6 phải bỏ làng ra đi đến một vùng quê khác. Tôi sẽ không mô tả chi tiết về biến cố ấy, vì nếu chỉ nghe lại những lời kể thì e là bất cập và bất hiếu nếu không đúng sự tình.

Gia đình cụ tổ đời thứ 6 rời làng đến một nơi xa. Ở đó. họ sinh con đẻ cháu đến nay đã 7 - 8 đời. Từ trước chiến tranh, khoảng thời Bảo Đại chấp chánh, họ đã xây 2 ngôi mộ của 2 cụ tổ, coi như "tiền hiền". Dù thay đổi chữ lót nhưng tên họ Trương vẫn được giữ lại.

Trong chi phái đã rời xa đó, có người vẫn nhớ đến nguồn cội. Một cụ ông đi tập kết ra Bắc, trước khi qua đời vẫn không quên dặn lại vợ con: "Mình là dòng dõi họ Trương ở làng Thanh Quýt - Quảng Nam. Khi hòa bình, mẹ và các con hãy tìm về đó, xin nhận lại tộc họ, cáo với tổ tiên xin quên đi chuyện xưa trong lịch sử".

Tôi chưa và sẽ không bao giờ hỏi bất cứ câu gì về "chuyện xưa trong lịch sử" của dòng tộc, với người dâu gốc miền Bắc về nhà thờ nhận là con cháu đó. Tôi dắt cô ấy về nhà thờ thắp hương cáo tổ và đến thăm từng gia đình các cụ cao niên, để giới thiệu. Đã 5 năm qua rồi, việc kết nối ấy ngày càng tốt đẹp, vui vẻ như những người đi xa vừa quay về.

Trong những ngày Tết vừa qua, hàng chục gia đình cách xa ấy - có hộ đang sinh sống ở Tây Nguyên, miền Bắc và TP HCM - đã cùng nhau về lại từ đường của dòng họ. Họ thắp hương trên bàn thờ gia tiên, nhận diện thứ bậc trên dưới... như chưa hề có cuộc phân ly suốt 200 năm. Một thành viên - cũng là trí thức trong nhóm - nói với vợ con: "Đây chính là quê hương của chúng ta!".

Trong cảnh sum họp hôm ấy, tôi chạnh nhớ đến người bạn từng nói "Tôi không có quê ông ơi!" khi đưa anh về quê mình. Có lẽ đến giờ, sau khi đã nghỉ hưu ngày rộng tháng dài, anh đã cùng mẹ tìm lại được gốc gác quê mình.

Rồi tôi chợt nghĩ: Ai cũng có một quê hương, nếu ta thật sự có một tấm lòng, luôn sẵn sàng muốn tìm về! 

Quê hương là cả hồn cốt của nếp sống và tín ngưỡng, vẫn còn phảng phất sự tương đồng trước mắt tôi dù đã trải qua hàng thế kỷ. Và, quê hương ngày một rộng lớn hơn!


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo