Sức mạnh của AI và những lợi ích mà AI mang lại đã được chứng minh. Tuy nhiên, AI chỉ có thể phát huy hết lợi ích nếu như nó được ứng dụng rộng rãi cho mọi lĩnh vực cuộc sống và trở thành "công cụ trên tay" dễ dàng tiếp cận và sử dụng cho tất cả mọi người.
Phổ biến rộng lợi ích của AI
Nhiều năm trước, AI được xem như một công nghệ cao siêu, chỉ dành cho các nhà chuyên nghiệp và cho các tổ chức quy mô lớn. Sau khi AI chính thức được đại chúng hóa với sự ra đời của ứng dụng ChatGPT của Công ty OpenAI (Mỹ) ngày 30-11-2022, ngày càng có thêm nhiều hãng, nhiều chuyên gia tham gia "cuộc cách mạng AI" với những nỗ lực phổ cập AI cho cộng đồng. Nhiều tài liệu, thậm chí những cuốn sách, đã được xuất bản nhằm giúp người dùng phổ biến tiếp cận kiến thức căn bản để khai thác, sử dụng những công cụ AI.
Anh Trần Anh Khôi, giảng viên về kỹ năng sống, cùng nhóm cộng sự trong thời gian gần đây đã mở những khóa vỡ lòng (trình độ Pre-A) về AI, trong đó trang bị cho học viên là những người có thể chưa biết AI những kiến thức cơ bản về AI, cũng như học cách sử dụng những công cụ AI phổ cập. Theo anh Khôi, AI thật sự chưa phổ biến rộng đến nhiều người dùng Việt Nam là do họ chưa nhận thức được lợi ích của AI. Hai nhà sản xuất số 1 của thế giới Android (Samsung) và iOS (Apple) khi ra mắt nền tảng AI của mình đều sử dụng những câu khẩu hiệu mang thông điệp "AI cho tất cả mọi người".
Một chuyên gia công nghệ chia sẻ cần phải có giải pháp để nhiều người tiếp cận, hiểu về AI, hướng dẫn họ biết sử dụng các công cụ AI trong cuộc sống. AI cho mọi người phải bao gồm 2 vế. Một là, các nhà phát triển và cung cấp dịch vụ làm ra nhiều ứng dụng AI cho mọi lĩnh vực cuộc sống. Hai là, phổ cập kiến thức và kỹ năng AI cho cộng đồng rộng rãi.
Theo báo Euro News, trong một bài viết hồi tháng 10-2023 trên Diễn đàn Kinh tế thế giới, ông Frank van Cappelle, người đứng đầu về giáo dục số toàn cầu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), lưu ý rằng ưu tiên hàng đầu là bảo đảm cho AI có thể "hỗ trợ trẻ em trong những trường hợp khẩn cấp và trẻ em ngoài hệ thống trường học chính thức".
Tập trung kỹ năng viết câu lệnh
Ở Việt Nam, ngày càng có thêm nhiều trường phổ thông đã nhạy bén với làn sóng AI. Không chỉ đơn thuần là ứng dụng AI trong hoạt động chuyên môn mà nhà trường còn dạy cho học sinh (HS) về AI.
Tại TP HCM, từ cách đây hơn 3 năm, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đã thí điểm cho HS tiếp cận với kiến thức về AI. Hay từ đầu năm học 2023-2024, Trường THPT Bùi Thị Xuân đã thành lập CLB AI cho HS. Cấp THCS có Trường THCS Phan Sào Nam (quận 3) có những lớp được giáo viên (GV) hướng dẫn HS tiếp cận với ứng dụng AI. Ở cấp tiểu học cũng có những trường như Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) đã đưa nội dung AI vào CLB STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) để HS làm quen.
Trong Đề án Đào tạo nguồn nhân lực AI thuộc Kế hoạch thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI năm 2024, UBND TP HCM yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục triển khai, tổ chức nội dung giảng dạy AI cho HS phổ thông; đào tạo chuyển giao công nghệ, tập huấn GV dạy trí thông minh nhân tạo AI - Robotics.
Sở GD-ĐT TP HCM cho biết đã đặt hàng Trường Đại học Sài Gòn nếu đề tài được Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM thông qua, từ năm học mới 2024-2025, TP HCM sẽ có thể đưa AI vào giảng dạy đại trà trong các trường phổ thông, bắt đầu từ khối lớp 3. Việc tập huấn về giảng dạy AI cho đội ngũ GV là cần thiết, không chỉ riêng cho các GV chuyên môn.
Việc cho HS phổ thông tiếp cận với AI có nhiều thuận lợi khi giáo dục STEM hiện đã đóng một vài trò quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam. Các CLB STEM đã được hình thành tại các trường phổ thông. Đây chính là cơ sở để HS làm quen và ứng dụng AI.
Theo các chuyên gia, trên thế giới, các chương trình tập huấn và phổ cập AI cho cộng đồng đều tập trung vào kỹ năng quyết định là viết câu lệnh (prompt) để yêu cầu ứng dụng AI thực hiện điều người dùng muốn.
Kết quả mà AI mang lại phụ thuộc vào cách mà người dùng ra lệnh cho nó.
GoStudent, một công ty công nghệ giáo dục nổi tiếng tại Áo, gần đây đã thực hiện một cuộc khảo sát với gần 6.000 HS từ 10 - 16 tuổi, phụ huynh cùng 60 GV ở Anh, Áo, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý. Kết quả, có 54% số HS mong muốn được học về AI và tìm hiểu về ChatGPT.
Ông Felix Ohswald, đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành GoStudent, nói: "HS muốn tìm hiểu về các chủ đề để chuẩn bị cho tương lai, bao gồm AI và thực tế ảo VR. Nhiều em bày tỏ sự thất vọng vì không được học những thứ này ngay lập tức".
Bình luận (0)