Tại mỏ than non Panandhro thuộc vùng sa mạc đầm lầy muối Kutch ở bang Gujarat - Ấn Độ, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra hóa thạch một trong những loài rắn lớn nhất thế giới.
Nó được đặt tên là Vasuki Indicus, theo tên con rắn thần quấn quanh cổ vị thần Shiva - vị thần tối cao tượng trưng cho sự hủy diệt và tái tạo, đại diện cho vòng tuần hoàn bất tận của vũ trụ trong Hindu giáo.
Hai nhà nghiên cứu Debajit Datta và Sunil Bajpai từ Phòng Khoa học Trái đất của Viện Công nghệ Ấn Độ Roorkee đã phân tích mẫu vật.
Các phần hóa thạch gồm 27 đốt sống hầu hết được bảo quản tốt, một số trong đó có khớp nối, dường như là của một động vật đã trưởng thành.
Các đốt sống có chiều dài từ 37,5-62,7 mm và chiều rộng từ 62,4-111,4 mm, gợi ý về một thân hình trụ rộng.
Từ đó, họ suy ra đó là một sinh vật có thân hình nặng nề và chiều dài tối đa lên tới 15,2 m, tối thiểu cũng hơn 10 m.
Kích thước này có thể so sánh với loài rắn dài nhất được khoa học công nhận - loài Titanoboa đã tuyệt chủng, được phát hiện ở Colombia năm 2009. Đó là một con mãng xà ước tính dài khoảng 13 m và nặng 1,1 tấn.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu Ấn Độ cho biết ước tính này có thể chưa chính xác và họ hy vọng có thể tìm thấy các bằng chứng hóa thạch khác trước khi xác nhận con mãng xà này là loài rắn lớn nhất.
Bài công bố trên Scientific Reports cũng cho biết con rắn vĩ đại này thuộc về Madtsoiidae, một dòng dõi gồm những con rắn, trăn khổng lồ đã tuyệt chủng.
Madtsoiidae được cho có nguồn gốc sâu xa từ siêu lục địa phía Nam Gondwana khoảng 100 triệu năm trước, tức thuộc kỷ Phấn trắng.
Khi đó Trái Đất gồm 2 siêu lục địa, phía Bắc là siêu lục địa Lausaria, gồm phần lớn lục địa Á - Âu, Bắc Mỹ ngày nay.
Thời điểm đó, hai phần của châu Á là bán đảo Ả Rập và tiểu lục địa Ấn Độ vẫn còn nằm ở phía Nam siêu đại dương chia đôi thế giới.
Khoảng 88-50 triệu năm trước, tiểu lục địa Ấn Độ thực hiện chuyến "du ngoạn" băng qua đại dương sau khi tách khỏi Gondwana, gắn với lục địa Á - Âu ngày nay, mang theo tổ tiên của Vasuki Indicus.
Bình luận (0)