Sử dụng LiDAR, một phương pháp viễn thám ứng dụng tia laser để lập bản đồ 3D các công trình ẩn, nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Phillip Parton từ Đại học Quốc gia Úc (ANU) đã tìm ra các thành phố cổ được xây dựng từ năm 300 sau Công Nguyên ở Tonga.
Theo bài công bố trên Journal of Archaeological Method and Theory, các thành phố này tọa lạc trên Tongatapu, là hòn đảo chính của Tonga và cũng là nơi có thủ đô Nukuʻalofa.
Hòn đảo này có dấu vết chiếm đóng của con người từ khoảng năm 900-850 trước Công nguyên, nhưng người ta cho rằng các thành phố đầu tiên chỉ được xây dựng vào khoảng năm 1000 sau Công nguyên.
Tuy nhiên, họ đã bị sốc khi đang lập bản đồ 3D hòn đảo Thái BÌnh Dương xinh đẹp này.
Không chỉ lâu đời hơn dự đoán tận 7 thế kỷ, hệ thống đô thị ở Tongatapu còn phức tạp đáng ngạc nhiên.
Đó không chỉ là một thành phố lẻ loi. Người dân cổ đại ở nơi đây đã xây dựng hẳn một mạng lưới gồm nhiều đô thị lớn nhỏ kết nối với nhau bằng các tuyến đường giao thông.
“Khi các khu định cư phát triển, họ phải nghĩ ra những cách mới để hỗ trợ dân số ngày càng tăng. Kiểu thiết lập này – cái mà chúng tôi gọi là đô thị hóa mật độ thấp – tạo ra sự thay đổi lớn về kinh tế và xã hội. Mọi người tương tác nhiều hơn và làm nhiều loại công việc khác nhau" - TS Parton nói.
Những gì còn lại chỉ là những gò đất từng là nền móng của các ngôi nhà và tàn tích các con đường, thành lũy.
Tuy vậy, tất cả đã đủ tiết lộ một quy mô đáng kinh ngạc về hòn đảo mà người phương Tây cho rằng vẫn rất hoang sơ vào thời điểm đó.
Đảo Tongatapu cũng là nơi tập hợp nhiều di tích nổi bật của quốc gia châu Đại Dương Tonga, bao gồm ba khối đá Haʻamonga ʻa Maui, các ụ chôn cất cổ xưa và Lăng mộ Papae 'o Tele'a.
Tonga là một đảo quốc nhỏ, xinh đẹp và khá nổi tiếng bởi nằm gần Đường đổi ngày quốc tế và là một trong những nơi đón ngày mới, năm mới đầu tiên trên thế giới, chỉ sau Kiribati và đảo Chatham thuộc New Zealand và cùng lúc với Samoa.
Bình luận (0)