xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ám ảnh sau chuyến theo chân thợ săn ở Lâm Đồng

Theo Kim Ngân (CSTC)

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi buộc phải thất hứa với nhóm người bạn K'ho ở Lâm Đồng bởi những việc các thợ săn làm quá rùng rợn, tàn nhẫn,

Có những con thú đã chết, cũng có những con còn sống sót cố vùng vẫy tìm lối thoát trong cơn đau đớn, tuyệt vọng, đứt từng thớ thịt; rồi có con thú dính bẫy nhưng vẫn còn lành lặn... tất cả chúng sẽ phải chết vì chủ các quán nhậu đã đặt hàng nhóm người đi săn...

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi buộc phải thất hứa với nhóm người bạn K'ho ở Lâm Đồng. Tôi không thể giữ kín cuộc hành trình săn thú của các bạn như đã thỏa thuận lúc đầu. Bởi những việc các bạn thợ săn làm quá rùng rợn, tàn nhẫn, vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật rừng.

Hôm đó, nhìn con nhím mắc bẫy, treo ngược chân lên trời, rách toác từng thớ thịt đỏ au nhưng vẫn chưa chết, tôi cảm nhận được sự đau đớn, tuyệt vọng trong ánh mắt của nó! Rồi cảnh bạn dốc ngược con cheo chọc tiết vẫn luôn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Và rồi cảnh chủ một quán nhậu cầm búa đinh, choảng liên tiếp vào đầu con cầy hương ở phố thị Đà Lạt mà tôi có lần vô tình chứng kiến trước đó lại hiện về, ám ảnh.

Tôi buộc phải có trách nhiệm lên tiếng để cảnh tỉnh các bạn. Dẫu biết, những việc bạn làm chẳng qua chỉ là kiếm sống đắp đổi qua ngày nhưng có nhiều người đang làm giàu trên sự phạm pháp của bạn, Ha Nai, K'Hiên và Ha Thìn ạ!...

Sau nhiều lần xin theo chân nhóm bạn người K'ho ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) vào rừng săn thú, mãi đến một ngày cuối tháng 11-2016, tôi được các bạn chấp nhận. Ha Nai cho biết, sau những ngày mưa tầm tã, trời nắng đẹp sẽ là lúc thú ra khỏi hang phơi nắng và kiếm ăn. Đi săn vào những ngày này thường hạ gục được những con thú nhiều hơn bình thường. Giữa đêm khuya, từ Đà Lạt tôi bắt xe khách vượt gần 200km tìm tới nhà bạn khi trời đã rạng sáng.


Nhóm lên đường vào rừng đi săn.

Nhóm lên đường vào rừng đi săn.

Buôn của Ha Nai sinh sống nép bên bìa rừng lâu nay vẫn nghèo như lần đầu tôi tới, trong những mái nhà thường xảy ra đói kém vào mùa giáp hạt. Cuộc sống cả buôn đều dựa vào rừng, từ mớ nấm, củ măng, lá rau rừng, con thú nhỏ đặt bẫy bắt được. Mấy năm qua, bạn khoe bữa cơm gia đình 6 người ăn có phần no đủ hơn vì có người ngoài thị trấn đặt bạn vào rừng săn bắt thú, bất cứ con gì, dù sống hay đã chết đều mua với giá cao.

Từ khi có đầu ra ổn định, hầu như ngày nào Ha Nai cùng nhóm thanh niên trong buôn cũng vào rừng đặt bẫy, săn thú, công việc đồng áng giao lại cho vợ con.

Bạn tôi chia sẻ, trước đây họ toàn săn được thú lớn, kể cả bò tót trong vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên, còn bây giờ tìm hoài cũng chẳng thấy dấu tích đàn bò tót đâu nữa. Những con heo rừng với chiếc răng nanh hung dữ sẵn sàng lao vào tấn công đối thủ cũng biệt vô âm tín. Rồi tê tê, gấu ngựa… chẳng biết bây giờ phiêu dạt về đâu, có còn hay đã hết? Chỉ biết rằng, lâu lắm rồi họ chưa bắt gặp những con thú to lớn đó. Bây giờ, vào sâu trong rừng chỉ còn lại nhím, cheo cheo, dúi, cầy hương, chuột… nhưng với tốc độ đặt bẫy tràn lan, cạnh tranh săn bắn mạnh như hiện nay, bạn tôi thừa nhận rừng sắp hết thú rồi.

Để chuẩn bị cho buổi đi săn, từ chiều hôm trước, Ha Nai đã ra ngoài trung tâm huyện mua hai thanh chì về cắt nhỏ, ép thành những viên đạn tròn bằng đầu đũa tra vào khẩu súng kíp tự chế. Những viên đạn kim loại này sẽ hạ gục bất cứ con thú nào mà chúng tôi phát hiện trong cuộc đi săn lần này. 6h sáng, nhà Ha Nai có thêm hai thanh niên là K'Hiên và Ha Thìn, trên vai mỗi người là một khẩu súng kíp tự chế, tương tự như súng của Ha Nai.

Mấy năm qua hai thanh niên này là cộng sự đáng tin cậy của bạn tôi trong những chuyến đi săn thú rừng. Buổi sáng nơi đây đậm đặc sương mù. Nhà Ha Nai cách rừng chỉ vài chục mét nhưng tuyệt nhiên tôi không nghe tiếng động của chim muông, vạn thú. Thấy tôi băn khoăn, K'Hiên thật thà giải thích: "Bây giờ muốn nghe tiếng chim, tiếng thú thì phải vào rừng sâu...".

Chốn núi rừng chẳng có khái niệm ăn sáng, tôi lên đường theo nhóm thợ săn với cái bụng trống rỗng từ tối qua. Ha Nai trấn an, yên tâm đi, mình có đem theo hộp quẹt, cơm gói đây rồi, vào trong đó kiếm được con gì thì nướng ăn luôn, không đói đâu mà lo...

Lối mòn vào rừng buổi sáng mùa đông vẫn còn ướt đẫm hơi sương. Ha Nai, đi đầu, tiếp đó là K'Hiên, rồi Ha Thìn, cuối cùng là tôi. Với kinh nghiệm 3 năm theo chủ đi săn, con chó nhanh nhảu nhà Ha Nai làm nhiệm vụ "tiền trạm".

Cánh rừng hôm nay chúng tôi đi "kiếm ăn" cách vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên khoảng 6km. Theo Ha Nai, nơi đó vẫn còn thú lớn. Dọc đường, Ha Nai kể nhóm của anh ngoài việc bao vây săn bắn các loại thú còn có khoảng 30 cái bẫy đã được đặt khắp các cánh rừng, những nơi xác định là có thú thường di chuyển qua.

Công việc đầu tiên trong mỗi cuộc đi săn là tới kiểm tra những chiếc bẫy, vốn là "án tử" cho những con thú xấu số chẳng may dính phải. Sau gần 2 tiếng vượt rừng, chúng tôi bắt đầu đi vào khu rừng già với nhiều gốc cây cổ thụ đã bị cưa hạ, gốc bắt đầu mục hoại.

Bỗng phía trước, con chó nhà Ha Nai sủa inh ỏi, cùng lúc đó Ha Thìn nói "có thú dính bẫy rồi". Quả không sai, đó là một con nhím khoảng 1,2kg. Bên chân dính bẫy bị thắt chặt bởi sợi dây thép sắc lạnh, treo ngược lên cao.

Thấy chúng tôi, con nhím không còn đủ sức để vùng vẫy bởi nó đã phải gánh chịu nỗi đau quá sức. Phần chân dính bẫy bị sợi thép cứa đứt từng thớ thịt, đỏ au, những con ruồi rừng lao vào bu quanh thưởng thức "bữa tiệc" miễn phí trên chân con nhím.

Với con mắt tinh tường của người nhiều năm đi săn, Ha Nai nói đây là con nhím cái sắp trưởng thành, nhất định vùng này vẫn còn ít nhất một con nhím đực to lớn nữa.


Một con nhím dính bẫy rách toác chân đau đớn nhưng vẫn còn sống.

Một con nhím dính bẫy rách toác chân đau đớn nhưng vẫn còn sống.

Cái bẫy được cả nhóm thống nhất giữ nguyên vị trí. Họ chặt những cành cây cắm xuống đất, chỉnh trang lại vùng đặt bẫy để dụ con thú đi vào lối mòn đã được đặt bẫy chắn ngang.

Cái bẫy thứ hai được nhóm đặt bên cạnh một gốc cây cổ thụ to lớn, vẫn còn nguyên vẹn. Tôi thầm nghĩ cũng may chưa có con vật xấu số nào trở thành nạn nhân của chiếc bẫy quái ác kia.

Tiếng chó lại sủa phía trước, nhưng lần này chẳng thấy bóng dáng một con thú nào. Dù vậy, theo kinh nghiệm của người đi rừng, nhóm bạn của tôi quả quyết vùng này chắc chắn sẽ có cầy hương lui tới nên con chó đã đánh hơi...

Ha Thìn nhận nhiệm vụ tháo gỡ chiếc bẫy để chuyển sang đặt tại một vị trí khác. K'Hiên, Ha Nai dùng dao chặt những cành cây rừng, cắm thành hàng rào chạy dài tới vài chục mét, sắp đặt theo hình chữ V. Điểm ở giữa họ để lại một lối qua, nhưng đó chính là "cửa tử". Chiếc bẫy dây bằng sợi thép nhỏ dùng để kết thành phanh xe đạp đã được đặt ở vị trí này.

Kiểm tra hơn chục chiếc bẫy nhưng không thu được thêm con thú nào, nhóm bạn tôi phàn nàn gần đây tỉ lệ bẫy dính được thú rất ít. Điều đó đồng nghĩa với việc các loại thú trong khu rừng này ngày càng khan hiếm. Tôi hỏi: Sao không chuyển bẫy sang cánh rừng khác mà đặt xem có dính nhiều thú hơn không? Ha Nai giải thích điều đó không thể được vì những cánh rừng khác cũng đã có người đặt bẫy, đi săn rồi. "Mình chuyển tới đó phát sinh tranh chấp, mất đoàn kết lắm!".

Gần xế bóng nhưng nhóm thợ săn chưa phát hiện ra con thú nào, những viên đạn chì vẫn nằm im trong họng các khẩu súng kíp lạnh lùng. Băng qua một khe suối, nước rừng chảy trắng muốt, cả nhóm quyết định dừng lại nổi lửa, làm thịt con nhím vừa dính bẫy lấy nội tạng nấu ăn với cơm, còn phần thịt đem bán.

Lúc này, bỗng tiếng chó lại sủa lên inh ỏi. Trên lùm cây ngã ra bờ suối, một con cầy hương co người lại trốn trong khóm lá. Thật tội nghiệp, nó không qua được con mắt của chú chó và nhóm thợ săn lành nghề. Không thể xuống đất vì chú chó đã đứng dưới chờ, cũng không còn chỗ để leo cao hơn được nữa, con vật tội nghiệp kia có lẽ chỉ sống thêm được vài phút nữa.

Nhanh như cắt, Ha Nai ra hiệu cho tôi đứng im tại chỗ, Ha Nai, K'Hiên và Ha Thìn nhanh nhẹ tỏa ra 3 hướng di chuyển gần hơn về phía con cầy hương xấu số. Sau tiếng nổ, con cầy hương rơi nhào xuống đất, loạng choạng như bản năng của sự sống thôi thúc nó bỏ chạy. Dĩ nhiên, nhiệm vụ kết liễu đời con cầy hương lúc này dành cho chú chó ranh mãnh, lành nghề kia.

Cắn chết con cầy, con chó ngoan ngoãn kéo xác con vật về phía chúng tôi. Bữa trưa hôm đó nó được chủ trả công hậu hĩnh, ngoài những thứ con người không thể ăn, con chó này còn được thưởng thêm mấy miếng lòng cầy.


Một con chim trĩ dính bẫy đã chết.

Một con chim trĩ dính bẫy đã chết.

Sau bữa cơm trưa, nhóm thợ săn tiếp tục hành trình đi kiểm tra những chiếc bẫy còn lại. Bao giờ cũng vậy, dọc đường đi săn, con chó làm nhiệm vụ tiên phong dẫn đường và đánh hơi các con vật. Với cái mũi thính và nhiều kinh nghiệm học được từ những chuyến đi săn thú rừng lâu năm với chủ, con chó tỏ ra tinh quái.

Cứ chạy được vài chục mét nó lại khịt khịt, chúi mũi vào bất cứ chỗ nào khả nghi để đánh hơi. Chưa lúc nào tôi thấy căm ghét loài chó đến thế dẫu biết rằng nó chẳng hề có tội tình gì. Cái bẫy tiếp theo không đặt trong rừng rậm mà tại một khu vực cỏ bụi. Lần này, "nạn nhân" là con chim trĩ mái, nặng hơn 1kg đã chết.

Nhóm bạn của tôi cho biết, trước đây mỗi lần đi săn họ bắt được rất nhiều thú dính bẫy hoặc bị bắn chết. Có ngày số lượng thịt rừng thu về tới vài chục kilôgam. Heo rừng, gấu ngựa, tê tê… lọt vào tay nhóm thợ săn này không phải là hiếm. Thế nhưng, bây giờ mỗi lần đi săn kiếm được 5-7kg thịt thú rừng đã trở nên hiếm hoi.

Những năm gần đây thịt thú rừng được các đầu nậu tranh nhau mua, đến từng buôn đặt hàng, cho ứng tiền trước để mua súng, đạn. Vì thế, chỉ tính riêng buôn nơi bạn tôi sinh sống đã có 4 nhóm, mỗi nhóm từ 3-4 người chuyên sinh sống bằng nghề săn bẫy thú rừng. Ha Nai quả quyết: "Vài năm nữa thôi, chẳng còn thú rừng nữa đâu mà săn bắn!...".

Buổi đi săn hôm đó nhóm chúng tôi còn bắt thêm được một con cheo cheo vừa dính bẫy, đang còn hoàn toàn khỏe mạnh. Khi về tới nhà Ha Nai, một người đàn ông to lớn với gương mặt chẳng mấy thiện cảm đã chờ đợi sẵn để lấy thịt rừng sau khi nhận được cú điện thoại báo tin của nhóm…

Tôi bất ngờ đến sửng sốt, gần 7kg thịt thú rừng gồm cheo cheo, cầy hương, nhím, chim trĩ nhưng nhóm bạn tôi chỉ được người đàn ông kia trả vẻn vẹn 1,2 triệu đồng, thậm chí khi giao tiền gã còn viện lý do đường xa, xin thêm 50.000 đồng đổ xăng. Thế mới biết, đánh đồng tất cả, mỗi kilôgam thịt thú rừng nơi đây được bán với giá chỉ nhỉnh hơn giá thịt gà, heo ngoài chợ nuôi theo kiểu công nghiệp.

Chắc chắn nhóm bạn của tôi trong đời chưa bao giờ bước vào những nhà hàng sang trọng ở thành phố, nơi đó những món thịt thú rừng như cheo cheo, dúi, nhím… họ đã bán với nửa triệu đồng một đĩa mà không ai dám chắc rằng đó là những miếng thịt rừng đúng nghĩa.

Ha Nai, K'Hiên, Ha Thìn ơi, hãy nghe lời tôi, đừng giết hại thú rừng nữa!...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo