Tôi đã từng lặng người đi khi nhìn thấy bố của N.H.H. - kẻ tội phạm đã cướp đi sinh mạng của cô người yêu tại một nhà nghỉ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông tiều tụy trong manh áo bộ đội bạc phếch, đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc, bám chặt vào hàng rào sắt Tòa án nhân dân TP Hà Nội, dõi theo thằng con trai đang bị đẩy lên xe chuyên dụng bít bùng.
Tôi cũng đã ngồi cùng bà mẹ của tử tù N.Đ.N. trong phòng dành cho người nhà tử tù ở Trại tạm giam số 1 Hà Nội, trong một buổi chiều mùa đông giá rét, chứng kiến cuộc tiếp xúc giữa hai mẹ con bà. Nước mắt và nước mắt xen lẫn giữa những tiếng nấc nghẹn. Còn gì đau hơn đối với một người mẹ khi biết con trai mình sẽ chết mà bất lực.
Còn gì xót xa hơn khi nghe người cha tử tù vừa trốn trại Lê Văn Thọ với gương mặt rúm ró mong được một lần nấu cho thằng con bát canh cua. Ước mơ nhỏ nhoi này có lẽ mãi mãi không bao giờ thành hiện thực đối với người cha ấy.
Tử tù Lê Văn Thọ (áo trắng) bị bắt giữ sau gần một tuần trốn trại.
1. Nguyễn Văn Tình - một trong hai tử tù vừa trốn trại T16 và đã bị bắt sau đó gần một tuần, lẽ ra đã không có một kết cục đau đớn như thế, nếu như anh ta yên phận với nhiệm vụ của một thầy giáo vùng cao, cõng cái chữ đến cho lũ trẻ. Duyên nghiệt từ khi Tình trở thành đệ tử của Tuân - ông trùm ma túy khét tiếng - đang bị Công an truy nã. Tình là một trong 8 đối tượng bị tuyên án tử hình trong đường dây buôn bán 490 bánh heroin. Nhà có hai anh em thì em trai Tình cũng dính vào ma túy và cũng bị tuyên án tử hình.
Không biết bà M. - mẹ của anh em Tình đã khóc bao nhiêu đêm - kể từ ngày các con mình bị Công an bắt, nhưng tôi đoán, đó là những đêm dài dằng dặc. Cuộc đời bà thì thôi đành một nhẽ, nhưng hai thằng con trai của bà, chúng nó còn trẻ quá, thằng Tình mới lấy vợ, còn thằng em nó cũng may chưa vướng víu vợ con, chứ không thì ngôi nhà ấy, quanh ra quẩn vào toàn những người đàn bà khóc khô hốc mắt vì tủi hận.
Rạng sáng 11- 9, Tình gõ cửa mà bà M. ngã ngồi vì sự xuất hiện của con trai. Nó như từ trên trời rơi xuống, như vừa từ thiên đường lại cũng như từ địa ngục chui lên. Bà vừa mừng vừa sợ.
Tôi đồ là trong trường hợp ấy, bà mẹ nào cũng muốn giấu biến con mình đi, muốn nó biến thành đứa trẻ và sẽ nuôi dạy nó lại từ đầu. Để nó không bao giờ dính vào tù tội, để không có một buổi sáng như là rạng sáng nay, nó xuất hiện như bóng ma, rồi hơn chục phút sau đó nó lại biến mất, nhanh đến nỗi mẹ nó chưa kịp hết thảng thốt, ngỡ như một giấc mơ. Còn người cha làm nghề chạy taxi khi nghe giọng thằng con trai qua điện thoại, hoảng quá tự gây tai nạn dẫn đến thương tích.
Không có cảm xúc nào mãnh liệt hơn là cảm xúc khi con người ta phải đối mặt với giây phút chia ly, tử biệt. Bà Chuân - mẹ tử tù N.Đ.N, đã từng có những chiều thứ Sáu mỗi tháng thấp thỏm để được một lần vào thăm con.
Và những câu hỏi lần nào cũng lặp đi lặp lại, nhưng nó cũng đủ để cho bà cảm thấy con còn tồn tại, còn hiện hữu trước mắt mình: "Con ơi, con khỏe không?". "Con khỏe mẹ ạ!". "Con có đủ ấm không?". "Con mới được cán bộ trại giam phát áo trấn thủ. Đủ ấm mẹ ạ!". "Con phải cố gắng lên nhé. Dù còn sống một ngày hay một phút cũng phải sống cho tử tế con nhé. Con đừng xích mích, mâu thuẫn gì với bạn tù. Cùng cảnh với nhau, phải yêu thương nhau chứ đừng chành chọe nhau làm gì". "Vâng ạ! Mẹ đừng lo".
"Ở trong này, con phải giữ sức khỏe, đừng hút thuốc, hút men gì cả. Con không được tiêu cực, không được nghĩ quẩn, con mà có thế nào mẹ không sống được đâu. Phải cố gắng con nhé. Khi bố con còn sống cũng thường nhắc nhở, còn một phút nào sống cũng phải hy vọng. Không được tiêu cực. Mẹ vẫn giữ số điện thoại của bố con nên thỉnh thoảng vẫn có người gọi tới số điện thoại của bố hỏi thăm, động viên mẹ"...
2. Mẹ của tên cướp Hồ Thanh Trúc bị tuyên án tử hình đã từng gào thét như con hổ khi bị người ta cướp mất con. Cách phản ứng của bà là cách yêu con, thương con trong nỗi bất lực tuyệt vọng. Một người đàn bà ít học, cả đời vất vả mưu sinh nơi đầu đường góc chợ, còn biết làm gì hơn nếu không gào thét, chửi bới.
Nhiều người cho rằng, mẹ của Hồ Thanh Trúc là người đàn bà không có học mới hành xử như thế. Thì đúng là bà nào có được học hành, nhưng tình yêu thương con của bà thì không thể đong đếm. Không thể nói người đàn bà có học thì yêu con nhiều hơn người đàn bà ít học. Tình yêu của người mẹ nào với con mình cũng bao la, và trong suy nghĩ của người mẹ, đứa con dù có trưởng thành, dù có trở thành ông nọ bà kia hay cho dù là một tội đồ, thì lúc nào chúng cũng vẹn nguyên bé nhỏ và trong sáng. Về bên mẹ, đứa con nào cũng bé nhỏ.
Người ta thường nhắc nhiều đến người mẹ, nhất là trong các câu chuyện liên quan đến đứa con tử tù, bởi có thể, cảm xúc của những người đàn bà thường khó giấu giếm, nó bộc lộ rõ rệt bằng nước mắt, bằng những câu chuyện gây xúc động.
Nhưng nếu đã từng chứng kiến những người cha tử tù khóc, chứng kiến những giọt nước mắt đàn ông lăn trên gò má sạm đen cháy nắng, giọt nước mắt được chắt ra từ hốc mắt sâu hoẳm đắng cay, mới thấy nỗi đau của người cha khi bị mất đi đứa con, không phải do tai nạn, do bệnh tật, mà do tội lỗi của nó gây ra, hẳn là tận cùng của sự nghiệt ngã trong kiếp làm người.
Cha mẹ của tử tù Lê Văn Thọ đã ngong ngóng suốt gần một tuần, kể từ khi biết tin con trai mình bỏ trốn khỏi trại giam. Những ngày ấy, họ như ngồi trên đống lửa, không ăn không ngủ, nhà có mấy người đi ra đi vào ngơ ngẩn, không ai buồn nói với ai lời nào.
Cha của Thọ chỉ mong con về một lần, để tự tay nấu cho nó bát canh cua, rồi ngồi nhìn nó ăn trong niềm bao dung, hạnh phúc dù chỉ trong chốc lát. Nhưng điều đó mãi mãi là xa vời, là giấc mơ không bao giờ trở thành hiện thực trong cuộc đời ông.
Người ta đã bắt nó trở về đúng nơi dành cho nó. Ông không biết số phận nó rồi đây sẽ như thế nào, bởi còn một phiên toà phúc thẩm nữa, nhưng tội lại chồng chất tội thế này, thì hy vọng con trai mình được sống là cực kỳ mong manh.
Thọ chưa từng một ngày làm cho bố mẹ vui. Như hắn tâm sự lúc mới bị bắt, cho đến lúc này, hắn chỉ gieo rắc cho gia đình biết bao muộn phiền, liên tục gây án rồi đi tù. Hắn tự nhận mình là kẻ bất hiếu, 37 tuổi vẫn chưa vợ con, chưa cho bố mẹ một đứa cháu bế bồng.
Không về nhà sau khi trốn trại, có thể do sợ bị phát hiện, nhưng Thọ lại cuống cuồng tìm gặp cô người yêu cũ đến 3 lần (lần thứ 3 khi đang trên đường đến đón người yêu thì hắn bị bắt). Kẻ này hết sức ngông cuồng, cách hắn xuất hiện ngoài xã hội, liên lạc với người yêu cũ và một số bạn bè xã hội cũng như cách hắn dám vào quán karaoke ở Quảng Ninh đến 3 lần để chơi cũng như tranh thủ sử dụng ma tuý, cho thấy hắn rất bất cần.
Giá như (chỉ là giá như thôi), quá trình trốn chạy, hắn ghé qua nhà thăm bố mẹ, một cách bất cần, dù chỉ 1 giây, để bố mẹ hắn được nhìn thấy con mình, hẳn bố mẹ hắn đã được an ủi phần nào. Cha mẹ Thọ chỉ mong có thế, họ mong được ngắm con ăn một bữa cơm ngon, rồi tự tay họ sẽ đưa con đi đầu thú. Tình thương của cha mẹ như trời biển là vậy, mà sao những nghịch tử như Lê Văn Thọ không bao giờ hiểu thấu?
Còn người cha của N.Đ.N, trong phiên xét xử con trai mình, ông đã chắp hai tay trước mặt bố của nạn nhân, xin người cha này hãy vì lòng nhân đạo mà tha thứ cho tội lỗi của con trai ông, đã khiến chúng tôi phải quay mặt đi lau nước mắt. Sau đó, ông đã mất trong một tai nạn sau khi thăm con từ Hà Nội trở về.
Mẹ N.Đ.N. khi ấy nỗi đau nhân lên gấp bội lần, bà vừa đau đớn chờ đợi ngày con trai phải thi hành án, vừa cạn nước mắt xót thương người chồng đã rời bỏ bà mà đi. Có lẽ, bà Chuân là một người mẹ tử tù đau khổ nhất mà tôi biết.
Có một phiên tòa khiến tôi vô cùng ám ảnh. Người cha của thủ phạm NHH sát hại người yêu trong một nhà nghỉ thuộc tỉnh Hà Tây cũ, vốn là bộ đội phục viên. Buổi ấy, ông mặc một chiếc áo bộ đội bạc màu, đôi tay khô gầy của ông cứ bám chặt mãi vào hàng rào sắt của tòa án nhân dân TP Hà Nội, có lẽ để kìm nén sự xúc động chỉ chực vỡ oà.
Đôi mắt khô khốc của ông đau khổ dõi theo thằng con đang bị đưa lên xe về trại giam. Trong khi ấy, thằng con trai vô cảm ngước đôi mắt lạnh lẽo quét một lượt khắp người thân. Mặt nó không cảm xúc, dù được nhìn thấy cha mẹ, anh em sau nhiều tháng xa cách.
Tôi đã quên mất nhiệm vụ phải lao theo chiếc xe bịt bùng để chụp ảnh tên tội đồ, tôi đã tần ngần đứng bên ông, tôi đã định cất lời an ủi ông, dù chỉ là một câu xã giao, nhưng sao cổ họng nghẹn đắng...
Bình luận (0)