Đó có phải là yêu không? Chắc chắn là không rồi, bởi ai lại yêu đương theo lối ra tay tàn độc, trả thù điên loạn người mình tơ tưởng, nhớ thương. Tôi tin rằng những kẻ trả thù người yêu vì bất cứ lý do hay biện hộ gì thì cũng quy về một vấn đề duy nhất, đó là chính họ yêu bản thân họ hơn.
Chứ yêu thương gì lại diễn ra theo lối hủy hoại thân thể người mình yêu. Đớn đau hơn, bi kịch là thứ không lựa chọn đối tượng, biến cố, lại ưa thích những thân phận vốn dĩ đã hắt hiu.
1. Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP HCM), chị N.T.B.T. (46 tuổi) nằm rên rỉ vì những vết bỏng nặng do bị xăng đốt cháy. Tuy nhiên, nỗi đau thể xác không thấm vào đâu so với nỗi đau tinh thần khi đứa con gái duy nhất của chị T. đã mãi mãi ra đi sau vụ án mạng kinh hoàng đó.
Chị T. kết hôn và sinh được cô con gái có tên là T.N.Q. vào năm 1999. Tuy nhiên, khi con được 3 tuổi, vợ chồng chị T. đường ai nấy đi vì không còn tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống. Vợ chồng họ thống nhất với nhau không còn tình nhưng vẫn còn nghĩa, cùng nhau chăm sóc Q., để con không bị thiệt thòi.
Thấy cha mẹ vẫn còn gắn bó với nhau, Q. nhiều lần năn nỉ họ quay lại chung sống. Chiều ý con, chị T. cùng chồng cũ cũng đã nhiều lần tìm cách hàn gắn lại cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhưng không thành. Hàng ngày, Q. sống với chị T. để mẹ đưa đón đi học, cuối tuần cô bé lại về sống với cha. Cuộc sống bình dị cứ thế trôi đi cho đến ngày định mệnh xảy ra hơn một năm trước.
Để lo toan cuộc sống và chăm sóc cho con, chị T. phải làm thuê đủ thứ để kiếm tiền. Khoảng tháng 4-2015, chị vào làm tạp vụ cho một tòa nhà ở quận 8 và quen biết với Đoàn Nguyễn Ngọc Tấn (44 tuổi, nhân viên bảo vệ của cao ốc).
Thời gian làm chung, mê đắm trước vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ, Tấn buông lời tán tỉnh và nhiều lần thổ lộ tình cảm. Tuy nhiên, vì lớn hơn Tấn 2 tuổi và sắp kết hôn với người đàn ông khác nên chị T. khéo léo từ chối.
Tuy nhiên, Tấn vẫn không chịu bỏ cuộc mà thường xuyên đến nhà chị T. chơi. Chị T. coi Tấn như chị em, đồng nghiệp bình thường nên vẫn vui vẻ tiếp chuyện. Thời gian này, chị T. có cho Tấn mượn 2 triệu đồng.
Làm chung khoảng vài tháng thì chị T. nghỉ việc và đòi lại số tiền đã cho Tấn vay trước đó. Tuy nhiên, Tấn không chịu trả khiến đôi bên xảy ra mâu thuẫn và họ đã đôi lần to tiếng với nhau.
Tức giận, cộng với việc biết chị T. sắp lấy chồng, Tấn ghen tuông và nảy sinh ý định trả thù bằng cách tưới xăng đốt cả 2 mẹ con “người trong mộng”. Nghĩ là làm, một sáng giữa tháng 11 năm 2015, Tấn đi mua 9 lít xăng đổ vào can nhựa màu trắng đục rồi chạy xe máy đến nhà chị T.
Thấy Tấn mang can nhựa vào nhà, chị T. hỏi thì anh ta trả lời là thuốc tẩy, mua về để tẩy rửa sàn nhà. Một lúc sau, Q. được cháu chị T. đón học về. Hai mẹ con họ mặc kệ Tấn ngồi xem tivi ở phòng khách để vào bếp chuẩn bị bữa trưa.
Lúc này, Tấn xuống bếp lấy ca nhựa vờ xin nước uống. Sau đó, anh ta lên phòng khách rót xăng trong can ra ca nhựa rồi tưới thẳng vào mẹ con chị T. đang làm bếp. Ngọn lửa từ bếp gas nhanh chóng bén vào xăng, bao trùm lấy 2 mẹ con người phụ nữ vô tội.
Chị T. vừa tìm cách dập lửa, vừa với lấy điện thoại gọi cho mẹ ruột. Nhận tin báo, anh T.H.H. (cha Q.) chạy đến cùng hàng xóm dập lửa và đưa 2 mẹ con chị T. đi cấp cứu. Do bị bỏng hô hấp nặng nên Q. không qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng vào một ngày cuối năm 2015.
Sau khi gây án, Tấn chạy xe máy bỏ trốn. Thiên bất dung gian, người thân chị T. phát hiện anh ta xuất hiện ở quận Gò Vấp nên đã báo công an bắt giữ.
Sau thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị T. mới giữ lại được mạng sống, nhưng bị thương tật đến 81%. Theo lời chị T., lúc nhập viện, Q. còn rất tỉnh táo, còn dặn dò bác sĩ cứu lấy mẹ mình. Thấy sức khỏe Q. như vậy, người phụ nữ cứ đinh ninh rằng con mình còn sống.
Tuy nhiên, do bị bỏng hô hấp nặng nên sau đó, Q. lịm dần và chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Hai mẹ con nhập viện được hơn 10 ngày thì Q. mất, lúc này sức khỏe chị T. vẫn còn rất yếu. Sợ chị T. không chịu đựng được nỗi đau này, người thân đã đưa thi thể Q. về và an táng tại một nghĩa trang ở quận Thủ Đức mà không nói cho người mẹ biết.
Ngày xuất viện cũng là lúc chị T. nhận nỗi đau lớn nhất của cuộc đời, còn lớn hơn những cơn đau thể xác đang hành hạ chị mỗi ngày. Vừa được người thân dìu vào nhà, đập vào mắt chị T. là bàn thờ đứa con gái bé bỏng. Biết mình đã mãi mãi mất con, người mẹ khụyu xuống, khóc òa lên.
Những vết bỏng xăng như hàng nghìn con kiến cắn, đốt thể xác chị T. mỗi ngày. Đặc biệt là những hôm trời nắng nóng hoặc trái gió trở trời, người phụ nữ quằn quại khi những cơn đau nhân lên gấp bội. Tuy nhiên, nỗi đau thể xác không thấm vào đâu so với nỗi đau của người mẹ mất con.
Hàng ngày, chị T. ôm lấy cuốn album ảnh, nơi lưu lại những khoảnh khắc của 2 mẹ con từ thuở Q. mới lọt lòng cho đến khi cô bé trở thành thiếu nữ. Chị T. ve vuốt từng bức ảnh và ngồi thì thầm nói chuyện như đứa con vẫn kề bên. Hàng đêm, trong những giấc ngủ chập chờn, hình ảnh đứa con gái lại ùa về, len lỏi trong tâm trí người mẹ.
Chị T. cho biết, con gái mình khá dễ thương, ngoan và đặc biệt học rất giỏi. Thời điểm xảy ra vụ án, Q. đang học lớp 10 một trường cấp 3 có tiếng ở quận 5. Chuyện xảy ra đã hơn 1 năm, nhưng chị T. vẫn không bao giờ quên ngọn lửa oan nghiệt đó. Ngọn lửa đã lấy đi mọi thứ của chị và cướp mất đứa con đang tuổi lớn.
Đã bao lần, chị T. muốn tự tử, chết theo con. Em trai chị T. vừa phải đi làm kiếm tiền tiếp tục chạy chữa cho chị, vừa phải cắt cử người thân canh chừng, không để chị làm điều dại dột. Gia đình động viên chị T. thường xuyên ra ngoài cho khuây khỏa. Nhưng sức khỏe rất yếu nên chị T. cứ bước chân đi là bị choáng nên chị T. chỉ quanh quẩn vài chục mét quanh nhà.
Cũng chính vì sức khỏe yếu nên từ ngày ra viện đến nay, chị T. chưa thể đến mộ thăm con một lần. Khoảnh khắc 2 mẹ con nắm tay nhau trước lúc được đưa vào bệnh viện cũng là lần cuối cùng mẹ con họ nhìn thấy nhau. Giờ mong ước lớn nhất của chị T. là mong sức khỏe tốt hơn để được một lần ra thăm mộ con.
Còn người cha của Q., hàng ngày sau giờ làm, ông đều về Thủ Đức chăm sóc cho mộ phần con. Có những hôm, ông ôm nơi an nghỉ của con, tỉ tê tâm sự và ngủ luôn tại đó.
Chị T. cho biết, chị rất hận Tấn, chỉ vì tình cảm mù quáng mà anh ta đã nhẫn tâm ra tay tàn độc, lấy đi mọi thứ của chị. Bản án tử hình với Tấn là thích đáng, vì vậy chị không có ý kiến gì thêm. Tuy nhiên, phía gia đình hung thủ từ lúc xảy ra vụ án đến nay, họ không một lời thăm hỏi, hỗ trợ gì cho nạn nhân.
2. Cuối tháng 11–2016, sau gần một năm vụ thảm án xảy ra. Tòa án Nhân dân TP HCM mở phiên sơ thẩm xét xử Đoàn Nguyễn Ngọc Tấn về hành vi “Giết người”.
Tấn ra tòa, khuôn mặt dửng dưng không phù hợp với dáng vẻ tiều tụy, tóc muối tiêu. Người dự khán phiên tòa đông nghịt, câu chuyện duyên mẹ nghiệt oan con nghe kể thì nhiều chứ chứng kiến là mấy đâu.
Tấn trả lời tại tòa rất quanh co, lúc thế này, khi thế khác. Không gì tỏ ra ăn năn, không gì biểu thị hối cải. Lẽ nào, ngay trong thời điểm này gã vẫn tin gã đã hành động không sai lầm, gã không chấp nhận việc tước đi mạng sống của một thiếu nữ, gây ra vết thương khác cho người tình vì cơn uất ức (hay ghen tức) của mình chính là tội ác. Gã chỉ muốn thỏa mãn cái tôi của chính gã.
Gã luôn miệng, gã chỉ muốn hù dọa để chị T. đừng chia tay với gã, gã không chuẩn bị từ trước mọi thứ, chỉ là bộc phát, gã không muốn ai phải bị thương, phải tử vong cả.
Đại diện Viện KSND hỏi gã, “Bị cáo nói không có ý định, vậy sao mua xăng về để trong nhà nạn nhân, rồi lợi dụng khi mẹ con nạn nhân quay mặt vào bếp, không nhìn thấy bị cáo để hành động, sao lại bít cửa không cho mẹ con nạn nhân thoát ra ngoài?”. Gã im lặng.
“Khi đốt các nạn nhân, bị cáo cũng bị bỏng, có đau không?, Chủ tọa phiên tòa tên tiếng. “Có”, lần này thì gã trả lời rành mạch.
“Nạn nhân bị bỏng toàn thân do hành vi của bị cáo, họ có đau không? Vậy mà bị cáo có thể thản nhiên nói đốt họ vì thù tức. Chị T. đã ly hôn với chồng nên có quyền tìm hiểu bất cứ người đàn ông nào, chấm dứt mối quan hệ tình cảm với bất kỳ ai nếu như người đó không vừa ý, không có ai có quyền ngăn cản.
Chị T. có quyền từ chối tình cảm của bị cáo, điều đó là lẽ thường tình. Bị cáo nhân danh điều gì mà làm như vậy?”. Gã tiếp tục im lặng.
Chẳng có gì để biện hộ cả, cũng chẳng có gì để giải thích cả, bất chấp gã có xin lỗi và mong gia đình của người bị hại tha thứ. Không có lời xin lỗi nào thỏa đáng cho sự ích kỷ, cho thói đê hèn cả.
Tòa tuyên gã mức án tử hình.
Bình luận (0)