Cũng như bao nhiêu phận má hồng khác, tử tội Đỗ Thị Hằng, sinh 1981, ở phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng chỉ mơ một mái ấm bình dị, hạnh phúc. Nhưng cuộc đời quá trớ trêu, khi tròn 32 tuổi, Hằng trao thân, gửi phận cho một “đầu nậu” ma túy khét tiếng. Và cũng từ đây, Hằng bị cuốn vào con đường tội lỗi, tham gia gieo rắc “cái chết trắng” cho đồng loại, để rồi thị phải trả giá bằng chính mạng sống của mình…
Tuổi thơ sóng gió
Chúng tôi gặp tử tù Đỗ Thị Hằng, tức “Hằng gấu” khi được nữ quản giáo Bùi Thị Bích Liên dẫn vào căn phòng nhỏ của Trại tạm giam CATP. Với dáng người thấp bé, Hằng lọt thỏm trong bộ quần áo kẻ sọc. Qua câu chuyện, Hằng trải lòng mình về những kỷ niệm buồn vui của ngày còn tự do cùng với những ăn năn, day dứt và sự khao khát sống đến cháy bỏng, nhưng tất cả đã quá muộn màng.
Hằng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, dưới Hằng còn có 2 em (1 trai, 1 gái), các em giờ đã lập gia đình. Số phận kém may mắn khi Hằng không có được tuổi thơ êm đềm với cuộc sống đủ đầy như bao bạn bè cùng trang lứa. Khi 6 tuổi, Hằng bước vào lớp 1, cũng là lúc người cha trụ cột gia đình ham chơi, đua đòi rồi vấp vào “nàng tiên nâu”. Đến năm 1992, bố Hằng chuyển sang tiêm chích ma túy.
Hằng bảo, nhà chẳng có tài sản gì đáng giá, cái gì bán được thì bố đã bán sạch để nướng vào ma túy rồi. Mấy mẹ con khuyên bố làm lại cuộc đời và đã cai nghiện cho bố rất nhiều lần nhưng đều bất lực…
Một nách 3 đứa con nhỏ, lại sống cùng người chồng ham chơi, nghiện ngập nên mẹ Hằng phải làm quần quật cả ngày để lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình. Do sinh nở không được kiêng khem nên mẹ Hằng thường xuyên đau ốm. Trong 3 chị em thì Hằng là đứa bất trị. Trước hoàn cảnh gia đình như vậy, Hằng không đủ nghị lực và đã sớm bỏ học khi mới đến lớp 5. Ở nhà đàn đúm chơi bời đến năm 1998, khi đó Hằng tròn 17 tuổi, được người quen giới thiệu ra Móng Cái bán hàng quần áo thuê. Bôn ba nơi đất khách, Hằng phải sống tự lập để nuôi thân.
Thu nhập thời điểm đó mỗi tháng được 400.000-500.000 đồng, Hằng chi tiêu tằn tiện mới đủ tiền thuê nhà, ăn uống và sinh hoạt. Mặc dù từ Móng Cái về Hải Phòng không xa, nhưng mỗi năm Hằng chỉ ghé thăm nhà một vài ngày Tết.
Với ham muốn kiếm được nhiều tiền, Hằng nghỉ việc bán quần áo tại chợ Móng Cái, rồi chuyển sang nhập hàng quần áo, chủ yếu là quần bò, rồi mang về giao cho các chợ đầu mối. Mỗi cái quần giao cho khách cũng được lãi 10.000 đồng. Thời gian đầu, những mối hàng mang về đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Nhưng về sau, do tính toán làm ăn không tốt, càng buôn càng mất mát thua lỗ, số tiền nợ của Hằng với khách hàng lên đến hơn 200 triệu đồng. Thế nhưng, Hằng vẫn đánh liều đi nhập quần áo về bán sỉ, nhưng càng bán, số nợ càng tăng lên rất cao. Bản tính liều lĩnh cùng sự thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình đã đẩy Hằng đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.
Và mối duyên định mệnh
Sống trong phòng biệt giam đã hơn một năm, nhưng Hằng vẫn dành rất nhiều tình cảm cho người chồng Nguyễn Hữu Đáng, sinh 1973, ở xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Mặc dù Đáng là người đã lôi kéo Hằng vào vòng tội lỗi và đang phải gánh mức án 20 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Hằng nhớ lại cuộc gặp gỡ và mối duyên trời định của mình. Đó là vào cuối năm 2006, Hằng quen Đáng trong khu nhà trọ ở Móng Cái. Do hai gian nhà trọ cách nhau chỉ vài mét nên Hằng hiểu rất rõ về hoàn cảnh của Đáng. Anh ta đã có vợ tên Xuân bị mắc nghiện ma túy nhiều năm. Khi sinh con trai Nguyễn Hữu Trọng được 2 tuổi, Xuân bỏ con lại cho Đáng chăm nuôi rồi sang Trung Quốc kiếm sống. Không kiếm việc tử tế để làm lụng nuôi con, Đáng lại lao thân vào buôn bán ma túy, bị bắt và năm 2006, bị TAND tỉnh Quảng Ninh kết án 8 năm tù. Mẹ bỏ đi, bố lĩnh án, nên cu Trọng phải về quê ở với ông bà nội. Khi Đáng trả án trong trại giam được hơn 1 năm thì nhận được tin vợ qua đời ở Trung Quốc do lâm bệnh trọng.
Cuối năm 2011, Đáng được đặc xá, rồi về quê đón con trai ra Móng Cái để mưu sinh. Tuy nhiên, phải bươn chải kiếm sống, nên Đáng thường xuyên bỏ mặc con trai ở một mình trong phòng trọ. Hằng bảo, không biết anh ấy đi làm ăn ở đâu, nhưng có khi 2-3 ngày mới về nhà trọ. Lúc đó, cu Trọng mới hơn 6 tuổi, vào kỳ nghỉ hè không có ai trông nên Hằng chăm sóc thằng bé như con mình.
Bởi vậy, thằng bé rất quý Hằng, nó coi cô như mẹ đẻ. Cũng từ đó, Hằng là chỗ dựa duy nhất của bố con Đáng khi chuẩn bị chuyến làm ăn xa. Và chính tình thương dành cho bé Trọng của Hằng đã kết nối tình cảm của Hằng và Đáng. Cuối năm 2012, Hằng lên xe hoa về nhà chồng ở miền quê Hà Nam đồng chiêm nước trũng.
“Cưới nhau được ít ngày, vợ chồng em đưa bé Trọng trở lại Móng Cái. Với đồng vốn ít ỏi cộng với số tiền mẹ bán mảnh đất ở Dương Kinh, vợ chồng em dồn vào mua được một căn nhà nhỏ. Cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác em chỉ mơ một mái ấm gia đình bình dị. Nhưng từ khi sánh bước cùng anh ấy, giấc mơ ấy đã biến thành cơn ác mộng…”- Hằng vừa kể, vừa đưa tay lau vội hai hàng nước mắt.
Khi làm vợ Đáng, Hằng mới biết chồng mình có máu cờ bạc và trai gái. Những đồng tiền Hằng chắt bóp được không đủ để chồng nướng vào cờ bạc. Đã nhiều lần Hằng còn bắt quả tang Đáng quan hệ với một người đàn bà kém Hằng vài tuổi. Hằng đã hết lời khuyên chồng nhưng Đáng vẫn chứng nào tật ấy. Yêu và thương chồng nhưng Hằng chỉ biết câm lặng, mặc cho số phận. Gần mực thì đen, cộng với lối sống buông thả đã ăn vào máu khiến Hằng trượt dần vào vũng lầy tăm tối.
Sống với Đáng được vài tháng, Hằng biết anh ta là một tay buôn bán ma túy có máu mặt. Lẽ ra phải quyết liệt khuyên can chồng dừng bước trước bờ vực tội lỗi, thì Hằng lại về hùa với Đáng và trở thành một trợ thủ đắc lực cho anh ta. Bước ngoặt sai lầm này khiến thị phải trả giá đắt. Khách trao đổi ma túy với Đáng chủ yếu bên Trung Quốc, còn mối “hàng” nhập là của Bùi Văn Kỳ, sinh 1965, ở Minh Đức, Thủy Nguyên. Hằng bảo, có lần Đáng gửi Hằng cầm hộ 200 triệu đồng, đó là tiền Đáng mua của Kỳ 1 bánh heroin, sau đó Đáng mang “hàng” ra Quảng Ninh, giao cho một đối tượng người Trung Quốc, lãi được 20 triệu đồng.
Sau nhiều năm buôn bán, giao dịch với người Trung Quốc, Hằng có vốn tiếng Trung rất khá. Bởi thế, Kỳ thường nhờ Hằng nghe điện mỗi khi có khách bên Trung Quốc đặt hàng. Rồi Kỳ giao cho Hằng mang “hàng” đưa cho khách và trực tiếp thu tiền.
Lóa mắt vì những khoản lợi nhuận thu được từ bán ma túy, Hằng tiếp tục nhắm mắt đưa chân vào con đường phạm tội. Từ cuối tháng 12-2012 đến tháng 7-2013, Hằng đã trực tiếp nhận của Kỳ gửi từ Hải Phòng ra Móng Cái 5 bánh ma túy và giao sang Trung Quốc, thị cũng nhận 3 thùng, với 3.000 viên thuốc lắc từ Trung Quốc về bán lại cho Kỳ để kiếm lời…
Khi đường dây buôn bán ma liên tỉnh do đối tượng cầm đầu Đỗ Huy Hoàng, ở Hà Nội bị bóc gỡ, “ông trùm” Bùi Văn Kỳ bị sa lưới, cũng là lúc mọi di biến động của Hằng đều nằm trong tầm ngắm của lực lượng công an. Ngày 31-7, Hằng bị lực lượng phòng chống tội phạm ma túy C47, Bộ Công an bắt giữ tại Móng Cái khi đang chuẩn bị đi giao 1,7g “đá” và 500 viên thuốc lắc cho khách.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23-11-2015, Hằng cùng 6 bị cáo khác trong vụ án bị kết án tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, còn Đáng nhận mức án 20 năm tù. Hằng có làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt nhưng bị HĐXX bác đơn kháng cáo. Gieo gió ắt gặp bão, hành trình trượt ngã của Hằng là gương tày liếp cho những kẻ ham hố làm giàu bằng việc làm mờ ám, gieo rắc tội ác lên đồng loại, bất chấp mọi hậu quả.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!