Bà Lê Thị Phận (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) và những vé số giả mà bà bị lừa.
Cách đây hơn nửa tháng, bà Lê Thị Phận (57 tuổi) đang bán vé số dạo ở khu vực xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) thì gặp 2 thanh niên đi ô tô, ăn mặc sang trọng gọi bà lại hỏi có đổi vé số trúng không.
Gắn mác sang trọng đi lừa đảo
Mới đầu bà Phận hơi do dự, nhưng một vị khách nhanh nhảu nói nếu bà đồng ý đổi vé số trúng thưởng, sẽ mua cho bà 30 tờ vé số mới. Nhìn cách ăn mặc, nói năng lịch sự của 2 vị “khách sộp”, bà Phận vét sạch tiền dành dụm đổi cho họ 10 tờ vé số trúng giải bảy (giải 200 ngàn đồng). Sau đó, người khách đã đưa 10 tờ vé số của họ cho bà Phận để đổi lấy 30 tờ vé số mới cộng thêm 1,7 triệu đồng tiền mặt.
Chiều đó, bà Phận mang 10 tờ vé số trên đến đại lý vé số để đổi thưởng. Khi thu vé, đại lý có yêu cầu bà ký tên vào góc phải ở mặt sau 10 tờ vé số. Khoảng 1 tuần sau, bà Phận choáng váng khi được đại lý thông báo 10 tờ vé số trên là giả.
Bà Phận bức xúc: “Nhìn 2 thanh niên sang trọng nên tôi không nghĩ họ lại đi đổi vé số giả. Hơn nữa, bán được 30 tờ vé số một lúc thì tôi mừng lắm nên không cảnh giác. Mỗi ngày đi bán cật lực có được bao nhiêu đâu, dầm mưa dãi nắng cực khổ còn bị lừa”.
Cũng dùng chiêu trò này, kẻ gian đã lừa của ông Lê Văn Thỏ, một người bán vé số dạo tại khu vực xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) 1,4 triệu đồng và 20 tờ vé số. Cách đây khoảng 10 ngày, khi đang bán vé số dạo tại một cây xăng ở khu vực ngã tư Dầu Giây, ông Thỏ được một thanh niên chạy xe máy hiệu Exciter đề nghị ông đổi 8 tờ vé số trúng giải bảy (giải 200 ngàn đồng) và hứa mua giùm 20 tờ vé số mới nên ông đã đồng ý. Thế nhưng, khi ông tới đại lý vé số thì mới tá hỏa khi đại lý này phát hiện 8 tờ vé số trên là giả.
“Tôi bị tật nguyền, phải đi bán vé số kiếm từng đồng nuôi 2 con, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo, nên khi bị lừa tôi buồn và tức lắm, không ăn uống được gì cả... Tôi mong muốn công an vào cuộc điều tra bắt hết mấy người lừa đảo bất nhân này” - ông Thỏ kiến nghị.
Nhắm tới người già và trẻ em
Nếu như trước đây, kẻ gian làm giả vé số trúng giải thưởng lớn và đến đổi tại các đại lý vé số thì hiện nay chiêu trò này đã bị lật tẩy và chúng chuyển sang chiêu trò khác tinh vi hơn rất nhiều. Kẻ gian chỉ dán, ghép số trên tờ vé số thật để tạo ra các tờ vé số có trị giá giải thưởng nhỏ như 100-200 ngàn đồng và thường đổi trực tiếp những người bán vé số dạo là trẻ em, người già, vốn nhìn không rõ hoặc ít để ý, không thể kiểm tra kỹ các chi tiết trên tờ vé số cần đổi.
Ông Nguyễn Văn Chung, chủ một đại lý vé số ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), cho biết các tờ vé số giả được làm rất tinh vi, có kinh nghiệm như ở các đại lý vé số nhiều lúc còn không phát hiện ra. Bán vé số dạo là công việc của phần lớn những người có thân phận không may mắn, chủ yếu là người già, người khuyết tật, trẻ em... Công việc này đối với nhiều người không chỉ dừng lại ở mục đích mưu sinh mà nó còn mang ý nghĩa không đầu hàng số phận, là sự thừa nhận việc sống đẹp, sống có ích cho xã hội. Vậy mà có người nhẫn tâm làm vé số giả lừa những người yếu thế này để trục lợi bất chính...
Công an huyện Thống Nhất khuyến cáo người bán vé số nên cẩn thận, hạn chế đổi vé số cho người lạ. Khi nghi ngờ các đối tượng lừa đảo hoặc bị lừa theo chiêu thức đổi vé số giả, hãy báo ngay cho Tổ hình sự Công an huyện hoặc lực lượng chức năng nơi gần nhất để sớm được giải quyết.
Bình luận (0)