Thế nhưng, ít người biết rằng, người thân của họ, nhất là những người chồng, người vợ đã từng cùng nhau một thời đầu ấp tay gối má kề, dù được tự do bên ngoài song còn đau đớn, tù túng hơn bội phần khi phải đối mặt với nỗi mất mát tình thân và cả những búa rìu dư luận.
Câu chuyện của gia đình tử tù Nguyễn Văn Thành (SN 1989), trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tan nát kể từ sau khi người này bị kết án tử về các tội danh giết người, cướp tài sản và hiếp dâm là một minh chứng đau lòng như vậy.
Là kẻ đang thụ án treo 15 tháng về tội danh cướp tài sản, đêm 30-6-2011, sau khi cãi nhau với vợ, Thành tìm đến nhà chị họ là Nguyễn Thị H. (34 tuổi), đang mang thai ở tuần thứ 10, để hỏi vay tiền nhưng bất thành.
Thấy chị H. ở nhà một mình, Thành đã dùng vũ lực thực hiện hành vi hiếp dâm, sau đó siết cổ khiến chị H. tử vong. Trước khi rời đi, hắn còn tiện tay gỡ luôn đôi bông tai bằng vàng trên tai nạn nhân.
Con gái người tử tù mang bản án giết vợ đẫm nước mắt tại Trại tạm giam Công an Nghệ An.
5 năm nằm chốn biệt giam là những tháng ngày tử tù Nguyễn Văn Thành “làm mình làm mẩy”, từ bất cần, chống đối đến tuyệt thực mà không hề biết rằng, tội ác hắn gây ra đã để lại những hậu quả hết sức đau xót.
Họ hàng, hàng xóm từ mặt, người mẹ già của hắn vì quá đau đớn nên đã ngã bệnh và từ giã cõi đời. Trong suốt thời gian ấy, chị Nguyễn Thị Lam (24 tuổi), người vợ trẻ mới bén hơi chồng đã phải sống trong búa rìu dư luận và sự ghẻ lạnh của người đời.
Chị kể, hôm xảy ra sự việc, hai vợ chồng có cãi vã nhau chút đỉnh và vì mới cưới chưa được bao lâu nên Lam chưa đủ độ “chín” để nhẫn nhịn, vùng vằng ôm con bỏ về nhà ngoại, mặc cho chồng sau đó đã sang tận nơi xin lỗi.
Đổi lại giây phút nông nổi đó, 5 năm ròng người vợ trẻ (góa chồng) đã nhẫn nhịn, sống theo kiểu “có mắt giả mù, có tai giả điếc” chỉ với mục đích vun vén, bù đắp cho cuộc sống của đứa con nhỏ dại vì những thiệt thòi mà bố nó đem lại.
“Nhiều đêm ôm con trong tay mà nước mắt đẫm gối, chỉ muốn bỏ đi thật xa để sống cuộc sống cho riêng mình.
Thế nhưng, chồng còn nằm chốn biệt giam, còn phải trách nhiệm hương khói cho mẹ chồng và chăm sóc cha chồng, nên đắng cay nhận lấy để sống cho tương lai”, người vợ trẻ xót xa tâm sự.
Lá thư xin lỗi đầy hối hận của tử tù Nguyễn Văn Thành.
Bản thân tôi ít khi tác nghiệp tại các phiên tòa, đơn giản là chỉ không muốn chứng kiến những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của cả bị cáo, bị hại lẫn người nhà khi công lý được phán quyết.
Chị Hờ Y Dềnh, vợ của tử tù Hạ Bá Hùa gục mặt khóc nức nở trong phiên tòa sơ thẩm của chồng (tháng 3-2016).
Có lẽ cũng bởi vậy mà cách đây không lâu, khi buộc phải ngồi dự khán ở chốn công đường trong một phiên xử về tội mua bán trái phép chất ma túy, tôi cứ bị ám ảnh mãi cho đến tận bây giờ về thân phận của hai người phụ nữ là hai người vợ trong hai án tử được hội đồng xét xử tuyên án hôm đó.
Hờ Y Dềnh (20 tuổi), trú bản Sơn Hà, xã Cà Tạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), là vợ của tử tù Hạ Bá Hùa (27 tuổi), hiện đang nằm chốn biệt giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, là một trong số hai người đàn bà đáng thương như vậy. Dáng người nhỏ thó, Dềnh liên tục khóc trong suốt thời gian phiên tòa diễn ra.
Dềnh có lẽ là người đàn bà bất hạnh nhất trong số những người vợ có chồng đang đối mặt với án tử, khi mà bản thân mình cũng đang sống chung trọn đời với một nỗi đau khác, ấy là không thể sinh con.
Là cô gái bản chất phác và hiền ngoan, năm 2013, Hờ Y Dềnh làm vợ của Hạ Bá Hùa, một cựu sinh viên của Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội.
Ngày Dềnh lên xe hoa, hàng chục trai bản ngước nhìn tiếc nuối, bà con lối xóm tấm tắc khen lấy được tấm chồng có học thức, lại là đảng viên nên ai cũng tin tưởng cô sẽ có cuộc sống viên mãn.
Nhưng người tính không bằng trời tính, Hùa sau nhiều lần nộp đơn xin việc không thành, đã sa ngã, dấn thân vào cái chết trắng.
Cay đắng hơn, sau nhiều năm không thể sinh con, Dềnh đến bệnh viện khám thì mới ngã ngửa khi biết mình bị u nang buồng trứng, phải phẫu thuật cắt bỏ. Để có tiền trang trải và chữa bệnh cho vợ, Hạ Bá Hùa đã nhận lời vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam, với tiền công mỗi chuyến là 2.000 USD.
Từ tháng 5-2015 đến tháng 8-2015, Hùa đã 4 lần thực hiện thành công việc vận chuyển ma túy, với tổng cộng 20 bánh heroin, có trọng lượng hơn 7kg. Với hành trình phạm tội đó, Hùa đã bị tuyên án tử vào tháng 3-2016.
Tử tù Hạ Bá Ku.
Trong một lần chia sẻ với phóng viên, Hờ Y Dềnh cay đắng cho biết, do cuộc sống quá túng quẫn, quay cuồng với khoản nợ 40 triệu đồng chồng vay ngân hàng chính sách xã hội trong thời gian theo học đại học nên hai vợ chồng bỏ bản, lên vùng giáp biên mở quán tạp hóa để mưu sinh, nhưng không ngờ đó lại là bước đi sai lầm đẩy chồng vào cửa tử.
Những lần Hùa sang Lào “ăn hàng”, Dềnh đều không hề hay biết. Tiền kiếm được từ việc buôn ma túy, chồng cũng không đưa cho Dềnh nửa xu, có chăng những lần vợ chồng cùng nhau đi chữa bệnh vô sinh, người vợ trẻ này mới dùng đến những đồng tiền ấy.
Trong lần công tác tại huyện miền núi Kỳ Sơn mới đây, tôi có ý tìm đến bản Sơn Hà để gặp lại người vợ khốn khổ của tử tù Hạ Bá Hùa nhưng Hờ Y Dềnh không có mặt tại địa phương.
Người dân bản địa cho hay, Dềnh đã bỏ nhà sang Lào từ sau phiên tòa phúc thẩm của chồng, còn địa chỉ cụ thể ở đâu, và làm gì trên đất nước Triệu Voi thì không ai nắm được.
Cùng số phận như vợ của tử tù Hạ Bá Hùa, chị Vừ Y Pà (19 tuổi), trú bản Pù Quặc 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), là vợ của tử tù Hạ Bá Ku (25 tuổi), quê quán tại bản Noong Pùng, thị trấn Lạc Xao, huyện Mường Khăm Cợt, tỉnh Bôly Khămxay (Lào) cũng ôm con lưu lạc sau khi chồng vướng lao lý. Là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh chị em, bố mất sớm, Ku thường xuyên qua lại biên giới để mưu sinh.
Gặp rồi nên duyên với Vừ Y Pà nhưng không đăng ký kết hôn, Ku định cư hẳn tại Việt Nam. Năm 2013, hai vợ chồng vui mừng đón nhận đứa con đầu lòng chào đời, song cuộc sống cũng khó khăn, túng bấn hơn từ đấy.
Để có tiền trang trải, Hạ Bá Ku đã nhận lời xách thuê ma túy và ngày 28-12-2014, khi đang vận chuyển 20 bánh heroin từ thị trấn Lạc Xao về Việt Nam, Ku đã bị bắt giữ, sau đó bị kết án tử hình.
Chồng sa vào lao lý, hai mẹ con Vừ Y Pà được bà nội đón về Lào, nhưng chỉ được một thời gian đã phải lập bập về lại sống dựa vào gia đình nhà ngoại. Bản thân Pà không biết tiếng Việt, không biết tiếng Lào, lại chưa từng một lần rời khỏi bản nên không hề có kiến thức lẫn kỹ năng để sinh tồn và nuôi con.
Gần đây, Pà đã phó mặc đứa trẻ lên 3 cho bà ngoại chăm bẵm để đi làm ăn xa, song cũng như Hờ Y Dềnh, người vợ khốn khổ này đi đâu và làm gì cũng không ai biết, kể cả mẹ đẻ của Pà cũng lắc đầu ngao ngán.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ là vậy, có những phận người bất hạnh ngay từ khi tuổi thanh xuân còn chưa hé mở, phận bạc của những người phụ nữ - trẻ con như Hờ Y Dềnh, Vừ Y Pà… cũng chính là điển hình cho những người vợ có chồng vướng vào lao lý, xót xa hơn nữa là đối mặt với án tử, đang chờ ngày ra chốn pháp trường.
Dù vậy, người miền núi chân chất nên dễ thông cảm cho nhau, nhìn người khác bất hạnh, nhiều khi những người khác không thể chia sẻ nỗi niềm được với nhau thì cũng thở dài theo kiểu, âu cũng là số phận, như một sự san sẻ, cảm thông.
Thế nhưng, nhiều khi, với người miền xuôi, hoặc các vùng thôn quê, thành thị, nỗi bất hạnh của người đàn bà này lại là sự khinh ghét, xa lánh, miệt thị đối với người đàn bà khác.
Đặc biệt, chồng con vướng vào lao lý, nhiều chị em đã phải câm nín chịu đủ thứ điều tiếng từ người đời, nỗi bất hạnh lúc này không hẳn là nhân đôi, mà nỗi đau còn dấm dẳng nhiều hơn thế nữa.
Tính đến thời điểm này, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đang có mấy chục tử tù, trong đó có những người đã ngồi xiềng ngót cả chục năm trời. Ngoại trừ 4 tử tù là nữ, số còn lại phần lớn đã có gia đình, vợ con trước khi sa vào tội lỗi.
Mỗi tử tù là một số phận, hoàn cảnh khác nhau, song cùng có điểm chung là đều để lại nỗi đau quá lớn cho những người thân thích, ruột thịt của mình. Cha mẹ, vợ con của họ dù được tự do bên ngoài, song mỗi người có một u uẩn, nỗi niềm riêng.
Những người này cũng đã và đang phải gánh chịu những nỗi đau không dễ gì chia sẻ - những nỗi niềm còn tù túng hơn cả bốn bức tường giam lạnh lẽo trong chốn biệt giam của người tử tù.
Bình luận (0)