Mất tích bí ẩn
Theo lời trình bày của ông Hồng Văn Giang (SN 1966, cha ruột Hồng Thị Lan (SN 1999, ngụ thôn Noh Prong, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) : ngày 25/10/2016, vợ chồng ông đang đi hái cà thuê ở tỉnh Đắk Nông thì nhận được tin báo từ người nhà rằng, cháu Lan mất tích. Bỏ lại công việc, hai vợ chồng ông nhanh chóng thu xếp bắt xe về nhà tìm con.
Theo lời người thân, lúc đầu không thấy cháu Lan, họ cứ tưởng cháu Lan đi làm ngoài ruộng nên không ai đi tìm. Đến tối muộn cùng ngày, các anh chị Lan mới sinh nghi liền cùng nhau đi tìm nhưng không thấy Lan đâu nữa.
Lúc này, có người hàng xóm cho biết thấy Lan đi bộ ra phía cầu treo cách nhà khoảng 4km. Cô bé không mang theo gì, chỉ mặc đồ lao động bình thường. Không thấy Lan về nhà, mọi người liên tục gọi điện thoại vào số di động của cháu nhưng không có tín hiệu trả lời. Thấy điện thoại vẫn đổ chuông nên người nhà đã gắng liên lạc bằng cách nhắn tin.
Anh trai của nạn nhân cho biết: “Em tôi còn nhỏ dại lại không được học hành nên rất dễ tin người. Khi đó cả nhà ai nấy đều hoang mang, lo lắng không màng ăn uống, cả ngày chỉ tập trung lại tìm cách làm sao để có được tin tức của em gái.
Nghi ngờ em tôi bị người ta lừa đi với mục đích xấu nên tôi nhắn tin vào số điện thoại em gái thì nhận được tin nhắn trả lời với nội dung: “tao bắt đi Yang Hanh (thuộc xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) rồi nhưng mà là để bán chứ không phải lấy làm vợ”.
Trước tin nhắn động trời đó, ông Giang chỉ còn cách cầu cứu lực lượng công an với hy vọng họ sẽ tìm thấy con gái mình. Sau hơn 1 tháng trôi qua, cuối cùng, cháu Lan cũng may mắn được về đoàn tụ với gia đình.
Trôi dạt nơi đất khách
Dù may mắn trở về trong vòng tay của người thân nhưng khi nhắc lại sự việc, Lan vẫn chưa hết run sợ. Theo Lan, khoảng năm 2015, em có quen một người qua mạng xã hội Facebook. Em chỉ biết người này ở tỉnh Gia Lai, tên là Phàng, cũng là người dân tộc H’Mông, hơn em khoảng 4 tuổi.
Sau nhiêu lần tâm sự trên mạng xã hội, ngày 25/10/2016, gã trai lạ mặt hẹn sẽ đến thăm nhà nhưng không rõ địa chỉ nên nói đợi Lan ở cầu treo ngoài đầu làng.
“Thấy em ra đón thì người này bảo em lên xe hắn chở đi ra chỗ này chơi đã rồi hãy về nhà. Tiếp đó như thế nào thì em không nhớ nổi, chỉ biết khi tỉnh dậy đã thấy mình ngồi trên một chiếc xe khách, và có lẽ đã đi rất xa nhà rồi. Lúc này, em hỏi thì tên Phàng nói là đang đưa em về nhà để làm vợ của hắn”, Lan kể.
Sau hai ngày, chiếc xe khách tới tỉnh Lào Cai, Lan được cho lên thuyền qua một con sông lớn. Thuyền cập bến, sau khi ăn cơm trưa thì có hai người lạ mặt xuất hiện, họ trò chuyện to nhỏ gì đó với tên Phàng. Sau đó, họ tiếp tục đưa em đến một ngôi nhà có hai vợ chồng già khác. Lúc này, tên Phàng dặn em ở im đây chờ vợ chồng người anh trai của hắn tới rồi cùng đi, còn hắn đi làm giấy tờ.
Ròng rã hai ngày trôi qua nhưng không thấy tên Phàng quay lại. Sáng hôm thứ ba, Lan thấy người ta đưa đến đây một cô gái cũng chạc tuổi mình. Ở chung, nói chuyện với nhau Lan mới biết cô bạn này cũng là người H’Mông ở tỉnh Sơn La, cô ấy cũng bị đưa đến đây qua một người quen trên mạng.
Lan cùng cô bạn kia tiếp tục bị nhốt ở đây 5 ngày. Dù được đôi vợ chồng già kia cho ăn uống đầy đủ, không đánh đập nhưng họ kiên quyết ngăn cản không cho hai đứa ra ngoài cho đến khi có hai người lạ mặt khác tới đưa đi. Khi di chuyển trên đường được một đoạn cả hai lại gặp thêm một cô gái người H’Mông ở tỉnh Điện Biên.
Cả 3 thiếu nữ bị bọn lạ mặt đưa lên xe khách đi một chặng đường dài khoảng một ngày thì dừng lại. Lúc này, có thêm một người phụ nữ lạ mặt khác tới cùng đưa đi vào một ngôi làng nhỏ và bị nhốt ở đó. Hàng ngày, đều có người lạ đến xem mặt để mua.
Bọn buôn người cho các em có quyền lựa chọn, nếu người mua ưng ý mà các em nhất quyết không chịu thì họ cũng không ép. Sau vài ngày, hai cô bạn người Việt bị bán đi, Lan mới quyết định nhận lời làm vợ người Trung Quốc với suy nghĩ đợi chờ cơ hội thoát thân.
May mắn
Được bán với giá bao nhiêu thì Lan không rõ, chỉ biết rằng, một người đàn ông đứng tuổi đến đưa đi, theo như họ bảo thì đó là bố chồng của em. Đi cùng người này, suốt chặng đường Lan sợ hãi không dám nói chuyện nửa lời. Ngồi trên xe khách, nghĩ tới cha mẹ và các anh chị ở nhà nên Lan khóc nấc lên.
Đúng lúc đó có mấy cô chú công an lên kiểm tra, thấy Lan khóc, họ nghi ngờ có vấn đề nên đã gọi em xuống để làm việc. Lúc này, người đàn ông mang danh bố chồng cũng theo sát nên Lan không dám nói ngay, đợi khi người này không để ý em mới cầm tay một nữ công an ra một góc để cầu cứu”.
Do bất đồng về ngôn ngữ, ban đầu hai người đã không thể hiểu nhau, bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ của mình nữ công an người Trung Quốc này đã nhanh trí rút điện thoại ra để phiên dịch. Cũng qua đó, tội ác của những kẻ xấu xa đã bị vạch trần, lực lượng công an Trung Quốc đưa Lan về trụ sở làm việc của họ để xác minh, điều tra thêm về đường dây mua bán người nguy hiểm này. Sau 1 tháng 7 ngày được giữ lại để xác minh và làm thủ tục, Lan đã được bàn giao cho công an Việt Nam để đưa về đoàn tụ với gia đình.
Bà Hoàng Thị La (SN 1965, mẹ ruột nạn nhân) mừng rơi nước mắt khi nói đến việc con gái thoát nạn trở về: “Tôi rất biết ơn lực lượng công an nước bạn cũng như Việt Nam vì đã đưa con gái tôi thoát khỏi nguy hiểm trở về với gia đình. Khi mới nhận được thông tin từ bên kia biên giới, cả gia đình như chết đi sống lại, chúng tôi muốn đến tận nơi đón con gái về và trực tiếp cảm ơn những người đã có công ơn với gia đình tôi nhưng được biết việc đi lại rất khó khăn và phức tạp nên vợ chồng tôi chỉ biết ở nhà đợi con về”.
Cũng theo phán đoán của người nhà Lan, họ cho rằng rất có thể Lan đã bị bỏ bùa ngải nên mới đi và làm theo lời chỉ bảo của tên Phàng trong vô thức. Đến khi nhận thức được thì đã quá muộn, cũng rất may vì Lan đã được cứu giúp kịp thời, nếu không không ai biết điều gì sẽ đến khi Lan làm vợ người Trung Quốc.
Lan tâm sự thêm: ‘‘Không biết hai người bạn kia có được may mắn như em không? Cũng chỉ vì muốn thoát khỏi cuộc sống lam lũ, khó khăn ở nơi quê nhà mà các cô gái ấy đã bị bọn buôn người lừa dối với lời hứa hẹn về cuộc sống đầy đủ nơi đất khách. Em hối hận nhiều lắm, đó cũng là bài học đắt giá cho đời em. Em cũng hy vọng các bạn trẻ khác đừng quá nhẹ dạ, cả tin mà đánh mất đời con gái và tương lai về sau’’.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Bằng, Thôn trưởng thôn Noh Prong (xã Hòa Phong) cho biết: “Trong 7 năm trở lại đây, tại thôn Noh Prong đã có 5 trường hợp các cô gái bị lừa bán qua Trung Quốc. Trong đó, có 3 cô gái đã mất tích, chỉ có hai trường hợp may mắn được trở về.
Kẻ gian lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của các cô gái mới lớn để lừa lọc, phục vụ cho mưu đồ của bản thân. Ban tự quản thôn đã tích cực phối hợp chính quyền xã nhiều lần tuyên truyền vận động cho người dân nhưng đáng buồn thực trạng vẫn chưa thể chấm dứt”.
(Tên người nhà và nạn nhân đã được thay đổi)
Bình luận (0)